image banner
Tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương
Cả nước tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

Sáng 30/9, tại phiên họp Chính phủ họp thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Trong đó, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đáng chú ý là trong những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội nhưng cả nước vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tốc độ tăng trưởng GDP chưa được như mong muốn. Lạm phát còn chịu nhiều sức ép. Các động lực tăng trưởng gặp khó khăn, như công nghiệp phục hồi chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng chỉ tăng 1,65%.

Tình hình lao động, việc làm gặp nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo…

Lưu ý một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc bảo vệ, phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và xử lý nghiêm trường hợp né tránh sợ trách nhiệm, không dám làm.

Với yêu cầu tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; dứt khoát không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"…

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể là công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các ngành mới nổi, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Tiếp tục nỗ lực hơn nữa

Nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý đặc biệt chú trọng công tác điều phối kinh tế vĩ mô giữa các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó là thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng: Đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Trong đó, tăng cường hợp tác công tư (PPP), thu hút FDI có chọn lọc, nhất là những ngành mới nổi, công nghệ cao…; tập trung cho hạ tầng, đào tạo nhân lực và cải cách thủ tục hành chính để chuẩn bị đón các dự án FDI mới.

Về xuất khẩu, Thủ tướng lưu ý cần giữ vững, củng cố những thị trường truyền thống và tích cực mở rộng thị trường mới.

Về tiêu dùng cần phát triển mạnh thị trường trong nước hơn 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tổ chức rộng khắp các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng trên cả nước; thúc đẩy thương mại điện tử; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu trong dịp lễ tết, cuối năm…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết không để tình trạng dàn trải, kém hiệu quả; thúc đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu cuối năm, các dịp lễ tết.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, nhất là chuyển đổi số ; không để bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư từ việc nâng cấp quan hệ và các hiệp định thương mại, đầu tư với các đối tác.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 và tiến tới hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Về nội dung này, Thủ tướng yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang