image banner
Kết quả thực hiện nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024
Ngày 11/12/2023 Sở Lao động - TBXH ban hành Báo cáo số 733/BC-SLĐTBXH Kết quả thực hiện nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị  và hành chính năm 2023; nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024. Theo đó, Báo cáo đã nêu lên kết quả đạt được của Sở Lao động - TBXH như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc triển khai các nội dung về Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Sở, gắn với mục tiêu nhiệm vụ cải cách hành chính và thực hiện kế hoạch phát triển của ngành. Nâng cao trách nhiệm của tổ chức Đảng, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc đối với các hoạt động của cơ quan, đơn vị trong việc thực thi các nhiệm vụ phục vụ tổ chức, công dân để nâng cao chỉ số PAPI năm 2023.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 21/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao hiểu quả quản trị hành chính công PAPI tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 04/01/2023 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2023; Kế hoạch số 21/KH-SLĐTBXH ngày 28/01/2021 của Sở LĐ-TB&XH về nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công giai đoạn 2021 - 2025.

Sở đã ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản sau:

- Kế hoạch số 13/KH-SLĐTBXH ngày 31/01/2023 về nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2023.

- Kế hoạch số 32/KH-SLĐTBXH ngày 28/02/2023 về tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số ICT INDEX năm 2023.

2. Kết quả thực hiện

2.1. Về nội dung "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 49/QĐ-SLĐTBXH ngày 04/4/2017 về Quy chế thực hiện Dân chủ trong hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ; Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ và các văn bản liên quan về thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Kế hoạch số 59-KH/BCĐ ngày 17/12/2021 của Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác của Ban chỉ đạo tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022; Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 16/01/2023 của UBND tỉnh về thực hiện công tác dân vận, dân chủ năm 2023; những nội dung phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, được bàn bạc, thảo luận và tham gia ý kiến trước khi lãnh đạo Sở quyết định và tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia thực hiện theo quy định.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp và chủ đầu tư thực hiện các quy định của Pháp luật Việt Nam về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hướng dẫn trực tiếp cán bộ làm công tác quản lý, theo dõi người lao động nước ngoài của các đơn vị.

Tổ chức thực hiện đúng quy định, trình tự thủ tục trong việc cấp, cấp lại, gia hạn cho lao động là người lao động nước ngoài có đủ điều kiện theo quy định, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức.

Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành có liên quan trong việc quản lý người nước ngoài, tích cực trao đổi thông tin giữa các đơn vị liên quan trong quản lý xuất, nhập cảnh, cấp và cấp lại, gia hạn giấy phép lao động, xác nhận người lao động không thuộc diện cấp phép lao động.

Duy trì và thực hiện có hiệu quả các cuộc họp giao ban định kỳ; rà soát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực tham mưu của các phòng, đơn vị và cùng trao đổi, thảo luận tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn từ cơ sở.

2.2. Về nội dung "Công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách"

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Phòng Lao động  - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để được hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện các chương trình, đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật".

Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, chương trình mục tiêu, dự án đấu thầu, tài chính, tài sản, văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và khoản thu phí, lệ phí trên Cổng thông tin điện tử của Sở, tại trụ sở cơ quan và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân giám sát hoạt động của cơ quan và của công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Công khai danh sách hộ nghèo, thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để dân biết, dân bàn, giám sát thực hiện.

Phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 tiếp tục giảm 3% so với năm trước, đạt 14,83%. Tập trung tham mưu thực hiện tốt một số nội dung:

- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thành phố trong quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục.

- Công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để dân biết, dân bàn, giám sát thực hiện. Niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hoá xã và thông báo qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở trong thời gian 03 ngày làm việc.

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát quá trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện, thành phố.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho đội ngũ rà soát viên về quy định, quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đảm bảo việc thực hiện xác minh đầy đủ, chính xác các hộ nghèo, hộ cận nghèo, không để xảy ra tình trạng không đúng đối tượng, bỏ sót đối tượng.

2.3. Về nội dung "Trách nhiệm giải trình với người dân"

Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định. Nghiên cứu, trực tiếp giải đáp những vướng mắc của người dân, các đối tượng chính sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Công khai địa chỉ, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2018 và Luật Tiếp công dân năm 2013; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Nghị định 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2012).

Nâng cao trách nhiệm giải trình thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của HĐND; giải trình về phản ánh của cơ quan báo chí, truyền thông, ý kiến của nhân dân thông qua Cổng thông tin của sở và phản ánh trực tiếp của nhân dân.

Rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp dân theo thẩm quyền; thực hiện đầy đủ, đúng hạn đối với các nội dung phải giải trình với người dân theo quy định; củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người dân.

Công tác tiếp công dân được thực hiện đúng theo quy định. Sở đã bố trí địa điểm tiếp công dân và 01 công chức thường xuyên tiếp công dân, xây dựng quy chế tiếp công dân, quy chế phối hợp về giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của công dân giữa các phòng chuyên môn với bộ phận tiếp công dân của Thanh tra Sở.

Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của hội nghị cán bộ, công chức, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm như: trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan; trách nhiệm của công chức, viên chức; những việc công chức, viên chức phải được biết như chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác; kinh phí hoạt động; tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức... tham gia Hội đồng thẩm định giá mua sắm tài sản của cơ quan, đơn vị.

Các đơn vị trực thuộc Sở thường xuyên có sự giao tiếp với nhân dân như: Trung tâm Điều trị nuôi dưỡng phục hồi chức năng bệnh nhân nhân tâm thần,     Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh thường xuyên duy trì hòm thư góp ý để mọi người góp ý kiến đối với tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị.

2.4. Về nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công"

Đảng ủy, Ban Giám đốc thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể nhận thức sâu sắc về công tác phòng chống tham nhũng; công tác công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị luôn được thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở (về công tác cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, cải cách hành chính...), qua đó thông tin về cơ quan luôn được người dân, tổ chức tiếp cận đầy đủ, kịp thời.

Xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng hàng năm, trong đó trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình phụ trách luôn được gắn với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị mình. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về công tác phòng chống tham nhũng đối với cấp trên.

Xây dựng kế hoạch thanh tra ít nhất 01 đơn vị trực thuộc Sở về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng theo quy định.

Thường xuyên đôn đốc các phòng chuyên môn nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Thường xuyên rà soát TTHC liên quan đến lĩnh vực của ngành quản lý, trình UBND tỉnh công bố danh mục, phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC theo quy định. Năm 2003, đã có 105/113 thủ tục hành chính đủ điều kiện và được nâng mức độ toàn trình công khai, thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

2.5. Về nội dung "Thủ tục hành chính công"

Thường xuyên thực hiện công tác rà soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; quan tâm đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, công dân.

 Kịp thời cập nhật, công khai các thủ tục hành chính, quy trình nội bộ giải quyết TTHC trên Cổng thông tin điện tử của Sở, tại trụ sở cơ quan và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; phối hợp cùng Công báo tỉnh, Sở Thông tin Truyền thông; Cổng thông tin điện tử của tỉnh… thực hiện đăng tải các quyết định của UBND tỉnh về công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở. Đảm bảo thuận lợi cho tổ chức, công dân cập nhật, khai thác và thực hiện.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân; thực hiện trả kết quả giải quyết hồ sơ qua dịch vụ bưu chính đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và một số quy trình liên thông lên UBND tỉnh.

2.6. Về nội dung "Cung ứng dịch vụ công"

Đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình. Tính đến thời điểm báo cáo, Sở LĐ-TB&XH đang triển khai thực hiện 105 dịch vụ công toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh Sơn La Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Công tác đào tạo nghề là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ xã, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Năm 2023, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 28/4/2022 của UBND tỉnh Sơn La về đào tạo nghề cho lao động năm 2023). Căn cứ Kế hoạch, UBND các huyện, thành phố xác định được mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực trên địa bàn để hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề được giao trong năm.

Chỉ đạo Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại cơ sở, không để xảy ra tình trạng học viên gây mất trật tự, thẩm lậu chất cấm hay trốn chạy, gây mất an ninh trật tự.

Tích cực tham gia giữ vững an ninh, trật tự địa bàn, cơ quan, đơn vị. Tham mưu cho tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu về phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2.7. Về nội dung "Quản trị môi trường"

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho công chức, viên chức, người lao động; tuyên truyền về thực trạng, nguy cơ, tác động từ ô nhiễm môi trường tới cuộc sống con người (nhất là nguồn nước và không khí)... Triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước tại cơ quan, đơn vị theo quy định.

Sở đã ban hành văn bản tuyên truyền, giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh về nghiên cứu, triển khai thực hiện Thông tư số 04/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn một số chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

2.8. Về nội dung "Quản trị điện tử"

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân được biết, tiếp cận và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng, đổi mới giao diện theo hướng thân thiện, dễ tiếp cận, cập nhật đầy đủ thông tin theo quy định, nhất là thông tin về TTHC, dịch vụ công trực tuyến, văn bản chỉ đạo điều hành...; tăng cường các phương thức tương tác với người dân, đa dạng hoá các hình thức tương tác trực tuyến với người dân phù hợp với điều kiện, trình độ dân trí trên địa bàn tỉnh

Tiếp tục phối hợp triển khai cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự thuận tiện trong tiếp cận và sử dụng thông tin của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường các hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kĩ thuật của cơ quan, đơn vị như: nâng cấp, bổ sung máy tính, máy in, đường truyền internet, hệ thống mạng LAN... Xây dựng và triển khai các ứng dụng, phần mềm quản lý tài chính, nhân sự, thi đua - khen thưởng, các phần mềm chuyên ngành vào hoạt động của cơ quan, đơn vị; tích cực ứng dụng chữ ký số trong giao dịch văn bản điện tử; yêu cầu CCVC thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong trao đổi văn bản...

3. Hạn chế

Kỹ năng hành chính, nhận thức về các nội dung liên quan đến đánh giá, đo lường các chỉ số thành phần của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của một số công chức, viên chức còn hạn chế.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2024

1. Tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về Chỉ số PAPI; trách nhiệm tham gia các nội dung, nhiệm vụ góp phần nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới người dân về những kết quả, những nỗ lực của chính quyền tỉnh, địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, thực hiện dân chủ cơ sở; các luật, Nghị định, văn bản dưới luật liên quan trực tiếp đến người dân.

2. Ban Thanh tra nhân dân tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát về thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan tại các phòng, đơn vị thuộc Sở.

3. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất nhằm đáp ứng tốt công tác nâng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Sở.

4. Nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị nhằm góp phần giải quyết nhanh các thủ tục hành chính.

Tác giả: Văn phòng Sở
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang