Không chững lại, không chùng xuống
Bàn về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Lực lượng Công an cũng đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nhanh chóng những điểm nóng, nhóm tội phạm có tổ chức; phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Theo đó, công tác của ngành kiểm sát, thời gian qua, với vai trò thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, Viện Kiểm sát các cấp đã trực tiếp hủy bỏ nhiều quyết định của cơ quan điều tra không có căn cứ, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Việc xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn được thực hiện cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho thấy, công tác của ngành tòa án năm 2024, số lượng vụ án thụ lý tăng so cùng kỳ năm trước. Các tòa án đã xét xử đạt 85,28%. Các vụ án kinh tế, tham nhũng được tòa án các cấp đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Riêng về công tác phòng, chống tham nhũng, trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn. Qua đó khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, quyết liệt, không chững lại, không chùng xuống, đã trở thành phong trào, xu thế; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện.
Dẫn số liệu công tác điều tra, xử lý tội phạm năm nay đạt tới 78,15%, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, nhiều vụ án được điều tra xử lý đều rất khó, đặc biệt là những vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cả tỉnh, cả vùng và nhiều lĩnh vực. Điều này ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan tư pháp và ngành công an.
Khắc phục hạn chế, tạo những chuyển biến mới
Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu, ủy viên các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế, nhất là công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến rõ nét.
Đề cập hạn chế, Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản...; phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi.
Tình trạng này cho thấy, việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn mang tính hình thức. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công, gây bức xúc dư luận.
Từ thực tế ấy chứng tỏ, có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm vẫn còn chậm.
Vấn đề đặt ra là, nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nêu trên là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua, song đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục thật sự hiệu quả, triệt để.
Đến đây, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hệ thống chính trị cần tiếp tục được đổi mới, hoàn chỉnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đã đến lúc cần tạo nên những chuyển biến, dấu mốc mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với một hệ thống luật pháp chặt chẽ, hiệu quả.
Song song đó là vấn đề xây dựng con người. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có kỷ cương, kỷ luật hành chính, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước; quan tâm đến các giải pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách.