image banner
Sở Lao động - TBXH Triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”
Ngày 26/12/2023, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND về Triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”. Dưới đây là toàn văn Kế hoạch số 306/KH-UBND.

 

Tình hình an ninh mạng và xu hướng tội phạm mạng tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2023

Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ, số tiền thiệt hại, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về tội phạm trên không gian mạng đã được tiến hành thường xuyên, song hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức cảnh giác của nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo “An toàn, an ninh mạng quốc gia” ngày 25/8/2023 về việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân đấu tranh, đẩy lùi hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao; Căn cứ Kế hoạch số 578/KH-BCA-A05 ngày 17/11/2023 của Bộ Công an về triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”. Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tạo thành các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân.

2. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên chức, quần chúng nhân dân kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng; huy động được cán bộ, công nhân viên chức, quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

3. Công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả gắn với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung tuyên truyên phải liên tục đổi mới, đa dạng hóa, bám sát thực tế, kịp thời truyền tải, thông tin cho người dân về các phương thức, thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng; hình thức tuyên truyền phong phú, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung tuyên truyền

a) Các quy định pháp luật, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp được phép tuyên truyền, không thuộc nội dung BMNN, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận liên quan đến công tác bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

b) Các hình thức, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, tập trung vào các phương thức, thủ đoạn thường gặp.

c) Cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng.

d) Kết quả, thành tích nổi bật, những sáng kiến hay, cách làm hiệu quả của các tập thể, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

2. Hình thức tuyên truyền

a) Khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội; các hội nhóm đông thành viên; người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng để tham gia công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin nhanh chóng, đến mọi đối tượng tiếp cận.

b) Xây dựng các bài viết, ấn phẩm, phóng sự, chuyên mục về đề tài phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, phát trên các kênh truyền thông, báo chí, gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội.

c) Xây dựng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt Chi bộ tại các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh.

d) Sử dụng đa dạng các hình thức nghệ thuật biểu diễn, như: các video clip ngắn, phim truyện để truyền tải các thông điệp về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

e) Biên soạn các tờ rơi, khẩu hiệu, motiongraphic, infographic, cẩm nang phòng, chống tội phạm trên không gian mạng để phát cho người dân tại các khu công nghiệp, khu dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

f) Sử dụng dịch vụ nhắn tin do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp để tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm tới khách hàng sử dụng dịch vụ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh

a) Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 3030/KH-CAT-PA05 ngày 05/12/2023 của Công an tỉnh về Triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” trong lực lượng Công an Sơn La.

b) Tham mưu triển khai “Bộ cẩm nang tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng” để trao đổi, hướng dẫn cho các đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, cho các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh.

c) Cung cấp thông tin, tư liệu và phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng các tin, bài, chuyên mục, chương trình chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

d) Phát huy vai trò cơ quan thường trực của Tiểu ban An toàn, an ninh mạng tỉnh, phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng đạt hiệu quả, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; tranh thủ về năng lực, tiềm lực trong hoạt động truyền thông của các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ bên ngoài tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh:

- Chỉ đạo hệ thống tuyên giáo các cấp tổ chức tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

- Huy động đội ngũ cộng tác viên tích cực tham gia viết bài, chia sẻ thông tin cảnh báo, hướng dẫn nhân dân cảnh giác phòng ngừa, phát hiện tội phạm.

- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố, đoàn thể xã hội nội dung công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

f) Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 30/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng”, gắn với các nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

g) Tiếp tục tham mưu triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 69/KH-BCA-A03 ngày 22/4/2022 của Bộ Công an về thực hiện Chương trình “Giáo dục lý tưởng Cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030 của Chính phủ” nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với đối tượng là trẻ em, thanh, thiếu niên, nhi đồng trên môi trường mạng.

h) Nghiên cứu triển khai có hiệu quả hệ thống liên lạc bảo mật Signet rộng rãi tới quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh để kịp thời trao đổi thông tin nhanh chóng phục vụ công tác tuyên truyền.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh mở các chuyên mục, điểm tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, với các nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi theo dõi.

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các nền tảng hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp về các loại phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng, bao gồm:

- Gửi tin nhắn SMS, tin nhắn qua các ứng dụng của các nhà mạng các thông điệp cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng.

- Có cảnh báo cho người dùng khi nhận các cuộc gọi VoIP, cuộc gọi từ nước ngoài, các cuộc gọi rác, các trang mạng có dấu hiệu lừa đảo.

- Khi thực hiện các tin nhắn, cuộc gọi có nội dung tiếp thị sản phẩm đến người dùng phải được người dùng chấp thuận trước.

- Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với đơn vị chức năng của Công an tỉnh ngăn chặn, xác minh, xử lý thông tin về tội phạm.

c) Huy động các doanh nghiệp về truyền thông tổ chức các sự kiện, sản xuất các video clip ngắn tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chỉ đạo, hướng dẫn 100% các trường, cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng, tổ chức các chương trình ngoại khóa, hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với chương trình học, lứa tuổi, bậc học.

b) Cập nhật, thông báo các thông tin về tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các hình thức phù hợp như bảng thông báo, bảng điện tử, áp phích...

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chỉ đạo, hướng dẫn 100% các công ty, doanh nghiệp sản xuất tổ chức các tuyên truyền, cảnh báo cho người lao động, công nhân nâng cao cảnh giác, tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.

b) Cập nhật, thông báo các thông tin về tội phạm trên không gian mạng cho công nhân, người dân lao động qua các hình thức phù hợp như bảng thông báo, bảng điện tử, áp phích...

5. Sở Công Thương

Chỉ đạo, huy động các doanh nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng qua các banner, áp phích, màn hình quảng cáo.

6. Sở Giao thông Vận tải

Chỉ đạo các đơn vị vận tải tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các bến phà, bến xe... bằng hình thức phù hợp.

7. Sở Tài chính

Căn cứ dự toán do các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố lập và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, thẩm định nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành

8. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sơn La

- Phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kỹ năng trong phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho các nhân viên ngân hàng.

- Tham mưu ngành ngân hàng có hình thức tuyên truyền, cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các phòng giao dịch.

- Phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, xử lý thông tin về các giao dịch đáng ngờ, giao dịch liên quan đến tội phạm trên không gian mạng.

9. Báo Sơn La, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan truyền thông, báo chí

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mở các chuyên mục, điểm tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, với các nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi theo dõi. Đảm bảo đăng tải mỗi tuần ít nhất 01 tin, bài vào các giờ vàng, trang nhất.

10. Tỉnh đoàn Sơn La, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh

Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng cho đoàn viên, hội viên thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội.

11. Các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn; chia sẻ các thông tin tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng từ các nguồn chính thống thông qua các nền tảng mạng xã hội.

b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng với nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm từng đơn vị.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện kế hoạch của cơ quan nhà nước do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm của các sở, ban, ngành, đơn vị dự toán cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố; các nguồn kinh phí được giao bổ sung trong năm theo quy định. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Kinh phí tuyên truyền của tổ chức, doanh nghiệp do các tổ chức, doanh nghiệp tự bố trí và thực hiện theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này chủ động tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; định kỳ hàng năm trước ngày 05 tháng 11 (hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu) báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Công an tỉnh (qua Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an theo quy định.

2. Giao Công an tỉnh làm đầu mối theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và nắm bắt kịp thời những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch này tại các cơ quan, đơn vị để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

Tác giả: Văn phòng Sở
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang