image banner
Nỗ lực của việt nam trong phòng, chống mua bán người và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thời gian qua
Thực hiện Công văn số 1531/BTTTT-TTĐN ngày 23/04/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại; Công văn số 2637/UBND-KGVX ngày 20/6/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại; Công văn số 652/TTĐN-NVĐP ngày 22/07/2024 của Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp thông tin phục vụ Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố tháng 7/2024. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền kết qủa nỗ lực của việt nam trong phòng, chống mua bán người và kết quả công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người thời gian qua như sau:
anh tin bai

1. Nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người

Tội phạm mua bán người, một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, vẫn đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Được mô tả như một "nô lệ thời hiện đại", nạn nhân của tội phạm này thường rơi vào các tình trạng bị bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, lừa đảo... Tội phạm mua bán người không chỉ hủy hoại cuộc sống của nạn nhân mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội của mỗi quốc gia.

Để phòng, chống tội phạm mua bán người, Liên hợp quốc, các quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng, chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước về quyền trẻ em; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em, buôn bán trẻ em, mua dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất…

Cùng với các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người. Sự tham gia vào các điều ước này đòi hỏi Việt Nam không chỉ phải nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế mà còn phải mạnh mẽ thực thi luật pháp quốc gia, điều chỉnh chúng để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể:

Ngày 29/3/2011, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Ngày 29/12/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2549/2011/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Quyết định số 2550/2011/QĐ-CTN về việc gia nhập Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 605/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2674/2016/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, Việt Nam đã tiến hành nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý của mình, đồng thời tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Việt Nam đã sửa đổi Luật hình sự và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan (Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người…). Theo đó, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã tăng cường quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đây là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người. Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người mà còn quy định về việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý và tâm lý xã hội.

Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân.

Biểu đồ 1: Tình hình tội phạm mua bán người (2014-2023)

Trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.

Phân tích các số liệu thống kê về tình hình tội phạm mua bán người kể từ thời điểm ban hành Luật phòng, chống mua bán người (ban hành ngày 29/03/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012) đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18/04/2013 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Quyết định số 605 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy:

Biểu đồ 2: Tình hình tội phạm mua bán người (2011-2013)

Trong 03 năm (2011-2013), tình hình tội phạm mua bán người duy trì ở mức cao cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 480 vụ/720 đối tượng/890 nạn nhân/1 năm.

Trong 10 năm (2014-2023), tình hình tội phạm mua bán người có sự thay đổi rõ rệt sau mốc 05 năm (2014-2018), cụ thể:

Biểu đồ 3: Tình hình tội phạm mua bán người (2014-2018)

Số liệu thống kê cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người trong giai đoạn này vẫn ở mức cao với tỷ lệ trung bình vào khoảng 370 vụ/520 đối tượng/900 nạn nhân/1 năm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người trong giai đoạn 2019-2023 tuy có diễn biến tăng giảm thất thường (nếu tính từ mốc 2019) nhưng đã giảm đáng kể so với giai đoạn 05 năm trước đó. Tỷ lệ trung bình vào khoảng 120 vụ/230 đối tượng/240 nạn nhân/1 năm.

Biểu đồ 4: Tình hình tội phạm mua bán người (2019-2023)

Như vậy, nếu so sánh số liệu trung bình năm của 03 giai đoạn: (1) Giai đoạn 03 năm (2011-2013) trước thời điểm ban hành Quyết định số 605 của Thủ tướng Chính phủ; (2) Giai đoạn 05 năm (2014-2018); (3) Giai đoạn 05 năm (2019-2023), tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam đã có những thay đổi rất tích cực với tỷ lệ giảm rất cao (từ trung bình 480 vụ/năm xuống còn 120 vụ/năm).

Biểu đồ 5: Tỷ lệ trung bình năm về tội phạm mua bán người

Có thể nói, trong cuộc chiến chống lại tội phạm mua bán người, Việt Nam đã chứng minh nỗ lực của mình bằng những cam kết mạnh mẽ thông qua việc áp dụng điều ước quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế, các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bị khống chế bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân. Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ, làm quen trực tiếp với nạn nhân, các đối tượng phạm tội có xu hướng chuyển sang sử dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trên internet để tiếp cận nạn nhân với các phương thức, thủ đoạn phổ biến:

Sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Họ hứa hẹn việc làm “nhẹ nhàng” có thu nhập cao ở các quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, Đài Loan và Lào, sau đó buộc nạn nhân làm việc bất hợp pháp, thậm chí bán dâm hoặc đòi tiền chuộc với số tiền lớn.

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo các cô gái có hoàn cảnh gia đình éo le, khó khăn lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao sau đó lừa bán hoặc bóc lột nạn nhân.  

Trực tiếp tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh rủ rê đi chơi, du lịch, làm thuê với thu nhập cao để lừa phụ nữ, trẻ em gái ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn để đưa về các khu vực thành thị, bán cho các nhà hàng, quán Karaoke, Massage... hoặc bán nạn nhân ra nước ngoài.

Giả danh cán bộ trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang để làm quen, giả vờ hẹn hò yêu đương, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài.

Lợi dụng quy định về hiến, ghép tạng để tiếp cận những người đang gặp khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu để hợp thức hóa thủ tục, sau đó bán cho người có nhu cầu ghép tạng với giá cao.

Các đối tượng lập hội, nhóm kín “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội Facebook, Zalo…, tìm kiếm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin hoặc mua lại những bé mới sinh, chuẩn bị sinh. Sau đó, các đối tượng đem bán cho người khác, với danh nghĩa cho nhận con nuôi để hưởng lợi, kèm theo các dịch vụ làm các giấy tờ giả nhằm hợp thức nguồn gốc của trẻ.

Lợi dụng chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh, các đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam để tổ chức đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bóc lột, cưỡng bức và lạm dụng tình dục nạn nhân.

Xuất hiện một số đường dây do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu mua bán người nước ngoài qua Việt Nam đi nước thứ ba.

Về đối tượng, địa bàn, tính chất, mức độ nguy hiểm

Đối tượng phạm tội: Chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; đối tượng người nước ngoài thường thông qua các công ty kinh doanh, du lịch rồi móc nối, câu kết với đối tượng “cò mồi”, môi giới người Việt Nam, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi quay trở về Việt Nam đã dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác để kiếm lợi. Nhiều vụ án ghi nhận những đối tượng này đã lừa bán hàng xóm, bạn bè, thậm chí là người thân trong gia đình.

Về địa bàn thường xảy ra tội phạm mua bán người: Mua bán người là loại tội phạm có “độ ẩn” cao, có khả năng xảy ra trên tất cả các địa bàn, khu vực trên cả nước (nếu không phải là địa bàn xuất phát tội phạm nguồn thì cũng là địa bàn trung chuyển mua bán người). Theo thống kê, tội phạm mua bán người tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Ngoài ra, một số địa phương có tỷ lệ tội phạm mua bán người cao là Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của việc Trung Quốc xây dựng hàng rào ở khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc, các đối tượng mua bán người có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam.

Về tính chất của tội phạm mua bán người: Về cơ cấu, số vụ phạm tội mua bán người chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng số vụ án về trật tự xã hội được phát hiện, khởi tố, điều tra hằng năm. Tuy nhiên, tính chất có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện các hành vi mua bán người vì mục đích vô nhân đạo như mua bán trẻ sơ sinh, mua bán thận. Thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và xuyên quốc gia. Các hành vi mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu ở các tuyến biên giới, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà có cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng,...

Tình hình tội phạm mua bán người ra nước ngoài:

Thống kê cho thấy, toàn quốc khởi tố 20 vụ/37 đối tượng/68 nạn nhân. Tập trung vào các tuyến sau đây:

- Tuyến biên giới Việt Nam – Lào: Các Casino, cơ sở Game, công ty kinh doanh trực tuyến với quy mô rất lớn tập trung ở Đặc khu kinh tế “Tam giác vàng” thuộc tỉnh Bò-kẹo, Lào, thu hút lượng lớn người lao động từ nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Nhiều người lao động tại khu vực này bị mua bán, cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, bạo hành; bị lôi kéo tham gia các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, hoạt động mại dâm.

- Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia: Do chính sách mở cửa, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế vùng biên giới của Chính phủ Campuchia, nhiều Casino, cơ sở Game, công ty kinh doanh trực tuyến, khu vui chơi, giải trí, trường gà được xây dựng giáp biên giới Việt Nam, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Hiện có hàng nghìn người Việt Nam lao động trái phép tại các Casino, cơ sở Game, công ty kinh doanh trực tuyến ở các tỉnh Oddar Meangcheay; Kandal, Battambang, Sihanoukville.

- Tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Sau dịch Covid. Việt Nam, Trung Quốc đã cơ bản khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh, lưu lượng công dân đi lại gia tăng, tình trạng người nhập cảnh, cư trú trái pháp, di cư trái phép, mua bán người có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại.

Tình hình mua bán người trong nội địa:

Số vụ mua bán người trong nước có xu hướng gia tăng, các đối tượng phạm tội chủ yếu ép nạn nhân bán dâm hoặc cưỡng bức lao động... 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan Công an đã phát hiện, điều tra 15 vụ/41 đối tượng mua bán người trong nội địa, 35 nạn nhân.

Trong đó, phát hiện, điều tra 13 vụ mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi xảy ra tại các cơ sở Karaoke, Massage với 34 đối tượng/28 nạn nhân.

2. Nguyên nhân, điều kiện, các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tình hình mua bán người và công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người

2.1. Về khách quan

Tác động tiêu cực từ tình hình tội phạm mua bán người toàn cầu: Hiện nay, tội phạm mua bán người vẫn diễn ra phức tạp trên toàn thế giới. Sự hấp dẫn của lợi nhuận từ mua bán người và các yếu tố như khủng hoảng di cư, sự bất ổn chính trị, kinh tế, xung đột vũ trang, khủng bố, bạo lực, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang góp phần tạo ra tình trạng này. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp.

Biên giới dài và đa dạng: Việt Nam có đường biên giới đất liền dài 4.000km qua 25 tỉnh, tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, nhiều đường mòn và đường tiểu ngạch thuận lợi cho việc qua lại biên giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Campuchia đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tếxây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới với Việt Nam như: xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, chợ biên giới… để thu hút người dân Việt Nam sang lao động làm thuê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

Hội nhập quốc tế: Việt Nam đã tăng cường mở cửa hội nhập quốc tế và khu vực trên tất cả các lĩnh vực nên việc đi lại, thông thương, giao lưu quốc tế của người dân ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để các đối tượng lợi dụng mua bán người qua biên giới.

Sự phát triển kinh tế không đồng đều và phân hóa xã hội: Sự chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, phân hóa giàu nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, và vùng kinh tế khó khăn đã tạo ra tình trạng thiếu việc làm, nhiều người dân phải dời bỏ quê hương, bản quán tìm việc làm, tìm kiếm cơ hội sống mới. Nhóm đối tượng này có nguy cơ trở thành nạn nhân của mua bán người.

Sự phát triển công nghệ và mạng xã hội: Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội và điện thoại thông minh đã tạo ra cơ hội cho người dân tiếp cận thông tin và nâng cao kiến thức, nhưng cũng tạo ra những tác động tiêu cực đối với xã hội. Các đối tượng tội phạm đã lợi dụng sự phát triển này để tiếp cận và lôi kéo nạn nhân, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm mua bán người của các lực lượng chức năng.

2.2. Về chủ quan

 Công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực như: Quản lý người nước ngoài, xuất nhập cảnh, hôn nhân, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài,... còn sơ hở, để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.

Lực lượng chức năng trực tiếp, chủ công, nòng cốt trong phòng, chống mua bán người (Công an, Biên phòng) mỏng, trong khi địa bàn rộng, nhiều lĩnh vực có nguy cơ xảy ra mua bán người.

Chính quyền một số địa phương, cơ sở chưa coi trọng thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, có tư tưởng cho rằng là nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

3. Công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người của lực lượng Cảnh sát hình sự

Trước thực trạng mua bán người nêu trên, lực lượng Cảnh sát hình sự luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm với nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Là lực lượng chủ công, xung kích, lực lượng Cảnh sát hình sự đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Luật Phòng, chống mua bán người, Chương trình phòng, chống mua bán người quốc gia. Tổ chức triển khai thực hiện, lồng ghép nội dung của Chương trình 130/CP với việc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, nhà nước và ngành Công an trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Về công tác phòng ngừa, lực lượng Cảnh sát hình sự đã thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Cục Cảnh sát hình sự và lực lượng Cảnh sát hình sự địa phương đã trực tiếp tổ chức các cuộc truyền thông cộng đồng, các lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cho cán bộ các ngành, cho quần chúng nhân dân để nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người.

Về công tác điều tra, truy tố và xét xử, lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các ngành chức năng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hằng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân.

Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Tuy nhiên, qua thực hiện công tác phòng, chống mua bán người còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, trong nước còn tiềm ẩn nhiều đường băng nhóm hoạt động; công tác truyền thông ở nhiều địa phương còn dàn trải, diện bao phủ chưa nhiều, mô hình về phòng, chống mua bán người chưa đạt hiệu quả cao; công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

4. Nhận xét, đánh giá và dự báo tình hình

4.1. Nhận xét, đánh giá

Ưu điểm:

Trong 6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả nói trên cho thấy:

- Lực lượng Cảnh sát hình sự đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình tội phạm mua bán người để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp.

- Công tác phòng ngừa, đặc biệt là phòng ngừa xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt. Phối hợp liên ngành Công an, Biên phòng và các đơn vị có liên quan đạt hiệu quả cao, nhất là các địa bàn biên giới.

- Lực lượng Công an đã khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nắm di biến động dân cư cũng như phục vụ công tác xác minh nhân thân công dân Việt Nam được giải cứu, trao trả.

Tồn tại, hạn chế:

- Việc nắm tình hình lao động Việt Nam tại nước ngoài bị lừa xuất cảnh, bị cưỡng bức lao động với bẫy “việc nhẹ, lương cao” còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân với các thông tin ảo (họ tên, địa chỉ giả, sim rác...). Nạn nhân thường được hướng dẫn làm hộ chiếu, tự xuất cảnh ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp sau đó bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, lừa đảo trên mạng.

- Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và các loại tội phạm có liên quan gặp nhiều khó khăn: Thiếu hành lang pháp lý; khác biệt về quy định của pháp luật; khác biệt về quan điểm đấu tranh ...

4.2 Dự báo

- Từ nay đến hết năm 2024, tình hình tội phạm hình sự nói chung, tội phạm mua bán người tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

- Phương thức phạm tội đan xen giữa truyền thống và lợi dụng không gian mạng để phạm tội.

5. Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới

Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, thời gian tới lực lượng Cảnh sát hình sự cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, phương hướng công tác trọng tâm sau:

Một là, khẩn trương xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) theo đúng tiến độ đề ra (dự kiến thông qua năm 2024) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

 

Hai là, về mặt nhận thức phải xác định rõ: Tội phạm mua bán người là một hiểm họa đối với loài người; xâm phạm đến quyền con người, quyền trẻ em, cả thế giới đang lên án. Thực hiện công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, trong đó, lực lượng Cảnh sát hình sự phải là nòng cốt, đi đầu; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, phấn đấu giảm tội phạm mua bán người và tạo chuyển biến rõ rệt về phòng, chống loại tội phạm này.

Trước mắt, lực lượng Cảnh sát hình sự tập trung thực hiện đợt Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2024. Thời gian từ 01/7/2024 đến 30/9/2024. Theo đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, xác định chỉ tiêu cụ thể cần đạt được trong Cao điểm, kiên quyết không để tồn đọng các vụ án mua bán người do khó khăn trong xác minh, giải cứu nạn nhân ở nước ngoài phải tạm đình chỉ, đình chỉ.

Ba là, phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng. Đặc biệt, cần kịp thời biên soạn các tài liệu hướng dẫn, quán triệt các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống loại tội phạm này. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao.

Đẩy mạnh tuyên truyền tại cộng đồng, xây dựng bài viết đăng trên các nền tảng mạng xã hội nhắm tiếp cận người dân. Tập trung vào địa phương có địa bàn trọng điểm cấp huyện, xã về tình trạng đưa người di cư trái phép, các tuyến có dấu hiệu phức tạp về mua bán người. Chú trọng phòng ngừa từ cơ sở, nhất là nhóm có nguy cơ cao (người lao động mất việc, giãn việc; học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp…)

Bốn là, thông qua thực hiện chỉ thị và các thông tư của Bộ Công an về công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người; kịp thời đề ra các kế hoạch, biệt pháp chỉ đạo nghiệp vụ, tập trung lực lượng điều tra khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người nói chung và mua bán người trong nội địa nói riêng hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế.

Năm là, kịp thời tiếp nhận, xác minh, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ để quản lý cư trú, quản lý đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác liên ngành trong nước trong phòng, chống tội phạm mua bán người, trao đổi thông tin giữa Công an các đơn vị, địa phương phối hợp đấu tranh với các đường dây tội phạm mua bán người liên tỉnh, phức tạp, truy bắt đối tượng và giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc về phòng, chống mua bán người; duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây nóng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; chủ động phối hợp và tranh thủ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ về tài chính, tư vấn chuyên môn kỹ thuật trong việc hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống mua bán người phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.


 

Một số điểm mới trong Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã phát huy tích cực vai trò là công cụ pháp lý cho công tác phòng, chống mua bán người từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan có chức năng phòng ngừa và đấu tranh đối với tội phạm mua bán người, chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn như sau:

1. Công tác phòng ngừa: Mặc dù công tác phòng ngừa, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ cho người có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán được quan tâm, nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là giữa cơ quan Công an với ngành Giáo dục, Lao động, Thương binh và Xã hội. Điều này dẫn đến việc tuyên truyền còn mang tính hình thức, hiệu quả không đồng đều và không tác động đáng kể đến nhóm có nguy cơ cao.

2. Xác định nạn nhân: Tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán để cấp giấy xác nhận còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với các trường hợp bị mua bán ra nước ngoài lâu ngày tự trở về. Có những trường hợp sau gần 20 năm mới trở về, hoặc họ không nhớ địa chỉ quê quán, không nhớ rõ người thân, gây khó khăn trong việc xác minh. Nhiều nạn nhân xấu hổ, lo sợ và khai báo gian dối, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của các cơ quan chức năng.

3. Trường hợp đặc biệt: Có những trường hợp nạn nhân tự ý xuất cảnh và chỉ khi ra đến nước ngoài mới bị mua bán, đe dọa, giam giữ, bóc lột, gây khó khăn cho hoạt động điều tra và xử lý.

Đối với các trường hợp cần đáp ứng yêu cầu “nhạy cảm giới”, chúng ta gặp nhiều khó khăn do lực lượng giải cứu và điều tra hầu hết là nam giới, trong khi nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái.

Ngoài ra, nguồn lực để áp dụng các biện pháp làm việc thân thiện, nhạy cảm với nạn nhân bị mua bán nếu họ đã đủ 18 tuổi còn thiếu.

4. Chính sách hỗ trợ: Hiện chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ đặc biệt trong những trường hợp cấp bách. Ví dụ như giải cứu, hỗ trợ nạn nhân là trẻ sơ sinh hoặc nạn nhân mang theo trẻ sơ sinh. Ngoài ra, khi xử lý các vụ có nạn nhân hoặc đối tượng, nhân chứng là người nước ngoài hoặc dân tộc thiểu số, cán bộ Công an, Biên phòng gặp khó khăn vì thiếu phiên dịch và quy định cụ thể.

5. Bất cập trong luật: Sau khi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực, đã bộc lộ một số bất cập và sự không tương thích của Luật Phòng, chống mua bán người với các Bộ luật này.

Những khó khăn và vướng mắc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, gây ra nhiều trở ngại trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và hỗ trợ nạn nhân. Chúng ta cần có những điều chỉnh và cải tiến để khắc phục các bất cập này, nâng cao hiệu quả thi hành luật và bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân.

Những bất cập nêu trên đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến thực tiễn đấu tranh và phòng chống tội phạm mua bán người. Cụ thể, chúng ta có thể thấy rõ các ảnh hưởng sau:

1. Hiệu quả phòng ngừa thấp: Công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người còn hạn chế. Điều này làm giảm khả năng tự bảo vệ của các nhóm có nguy cơ cao, khiến nhiều trường hợp mua bán người không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

2. Khó khăn trong xác định và bảo vệ nạn nhân: Việc xác định nạn nhân gặp nhiều khó khăn khiến nhiều người bị mua bán không nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ kịp thời. Những trường hợp nạn nhân khai báo gian dối hoặc không nhớ rõ thông tin về quê quán và người thân đã làm cản trở quá trình điều tra và xác minh của các cơ quan chức năng.

3. Thiếu phối hợp và trao đổi thông tin: Sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương làm giảm hiệu quả trong công tác điều tra và xử lý các vụ án mua bán người. Việc không có thông tin kịp thời và đầy đủ từ các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện cho các đối tượng tội phạm dễ dàng lẩn trốn và tiếp tục hoạt động phạm tội.

4. Hạn chế trong giải cứu và hỗ trợ nạn nhân: Những khó khăn trong đáp ứng yêu cầu “nhạy cảm giới” và thiếu chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các trường hợp cấp bách đã làm giảm hiệu quả trong việc giải cứu và hỗ trợ nạn nhân. Nhiều nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, không nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của họ.

5. Khó khăn trong điều tra và xử lý: Với những vụ án có nạn nhân hoặc đối tượng, nhân chứng là người nước ngoài hoặc dân tộc thiểu số, cán bộ điều tra gặp nhiều khó khăn do thiếu phiên dịch và quy định cụ thể. Điều này làm kéo dài quá trình điều tra và xử lý vụ án, làm giảm tính răn đe của pháp luật.

6. Bất cập trong luật pháp: Sự không tương thích giữa Luật Phòng, chống mua bán người với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã làm giảm hiệu quả xử lý các vụ án.

Những ảnh hưởng tiêu cực này không chỉ làm giảm hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Các nạn nhân không được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời sẽ phải chịu đựng những hậu quả về sức khỏe, tâm lý và kinh tế. Đồng thời, việc các đối tượng tội phạm không bị trừng phạt nghiêm minh sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật và công lý. Do đó, việc khắc phục các bất cập này là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi đã đưa ra nhiều điểm mới nổi bật nhằm khắc phục những hạn chế của luật hiện hành và đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Cụ thể:

1. Mở rộng định nghĩa về hành vi mua bán người: Dự thảo mở rộng định nghĩa về hành vi mua bán người. Điều này giúp nhận diện và xử lý các hành vi phạm tội một cách toàn diện hơn.

2. Tăng cường công tác phòng ngừa: Dự thảo đề cao vai trò của công tác phòng ngừa, bao gồm việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống mua bán người. Các biện pháp này nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ ban đầu.

3. Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân: Dự thảo đưa ra các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân một cách toàn diện và hiệu quả hơn, bao gồm cả việc hỗ trợ tâm lý, pháp lý và tài chính. Điều này giúp nạn nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững và an toàn.

4. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan: Dự thảo tạo thuận lợi cho công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong việc phòng chống mua bán người. Sự phối hợp chặt chẽ này giúp nâng cao hiệu quả trong công tác điều tra và xử lý các vụ án mua bán người.

5. Hợp tác quốc tế: Dự thảo luật mới cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống mua bán người. Điều này đảm bảo Việt Nam sẽ thực hiện đúng các cam kết quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Việc sửa đổi Luật Phòng chống mua bán người năm 2024 đã được thực hiện với mục tiêu đảm bảo sự phù hợp và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Những thay đổi chính bao gồm:

1. Cập nhật và bổ sung các khái niệm và quy định mới: Các khái niệm và quy định mới được bổ sung để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo rằng luật pháp Việt Nam bắt kịp với những thay đổi và xu hướng mới trong phòng chống mua bán người.

2. Tăng cường hợp tác quốc tế: Luật mới tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống mua bán người, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp điều tra giữa các quốc gia. Điều này giúp nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh với tội phạm mua bán người xuyên quốc gia.

3. Bảo vệ quyền lợi của nạn nhân theo quy định quốc tế: Luật mới đảm bảo quyền lợi của nạn nhân theo các quy định quốc tế, bao gồm quyền được bảo vệ, hỗ trợ tâm lý, pháp lý và tài chính. Điều này giúp nạn nhân vượt qua các khó khăn và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Cụ thể, Dự thảo Luật đã xây dựng một loạt các điều khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người thân thích của họ. Điều này cho thấy tính ưu việt của Luật mới so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Các cam kết từ Điều 6 đến Điều 13 của Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc; Chương 4 Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

4. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng: Luật mới nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực thi các cam kết quốc tế liên quan đến phòng chống mua bán người. Điều này đảm bảo các biện pháp phòng chống mua bán người được thực hiện một cách hiệu quả và đồng bộ.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang