image banner
kết quả tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về của hội liên hiệp phụ nữ việt nam
Thực hiện Công văn số 1531/BTTTT-TTĐN ngày 23/04/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại; Công văn số 2637/UBND-KGVX ngày 20/6/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại; Công văn số 652/TTĐN-NVĐP ngày 22/07/2024 của Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp thông tin phục vụ Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố tháng 7/2024. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền phòng, chống mua bán n
anh tin bai

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội đã và đang thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia phòng ngừa mua bán người và tham gia tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người (Điều 17, Điều 18) và Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ[1] cũng như một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Một số kết quả truyền thông 6 tháng đầu năm 2024 của Hội LHPN Việt Nam như sau:

Các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người trực tiếp tại cộng đồng được các cấp Hội tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh. Hình thức đa dạng, phong phú như sân khấu hóa, kịch tương tác, hội thi, thuyết trình, đối thoại, mít tinh, diễu hành cổ động, … Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Luật pháp, chính sách phòng, chống mua bán người; các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN, kỹ năng phòng ngừa, xử lý tình huống; trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong PCMBN cũng như hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Các hoạt động truyền thông được tăng cường vào các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vào dịp hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7; lồng ghép tuyên truyền vào các ngày kỷ niệm 8/3, 20/10, các buổi sinh hoạt chi tổ Hội; ngày Pháp luật nước cộng hòa XHCN Việt Nam,… Các cấp Hội phối hợp với các ngành, cơ quan, tổ chức quốc tế để tuyên truyền như: Công an, Bộ đội biên phòng, Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Giáo dục và đào tạo, Đoàn Thanh niên,…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp tổ chức 20 cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng với sự tham gia của hơn 7.400 hội viên phụ nữ, người dân và học sinh các Trường Trung học Phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề tại 08 xã của 04 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nội dung truyền thông tập trung cung cấp những kiến thức, thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người, góp phần nâng cao nhận thức, làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua các hoạt động giao lưu văn nghệ, trò chơi, phần thi sôi nổi được lồng ghép trong chương trình truyền thông với nhiều ý nghĩa thiết thực đã thu hút sự tham gia tích cực của người dân cộng đồng. Đặc biệt, cuộc truyền thông tại tỉnh Quảng Bình (ngày 15/3/2024) có sự tham gia của đại diện đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Canada và trao đổi, chia sẻ thông tin với người dân, học sinh về một số quy định của Anh và Canada về nhập cư, lao động, việc làm ở nước sở tại.

Trung ương Hội phối hợp cùng IOM phát động Cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người”: Cuộc thi có sự tham dự của 610 thí sinh trên toàn quốc, trong đó bao gồm học sinh, sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng và THPT tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, và 04 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (tỉnh lựa chọn để triển khai dự án). Sau vòng sơ loại, TW Hội và IOM đã tổ chức tập huấn 02 ngày tại Hà Nội cho 52 thí sinh (16 đội thanh niên) để trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống mua bán người và các vấn đề liên quan đến di cư, hướng dẫn kỹ năng cần thiết để lập kế hoạch và triển khai chiến dịch truyền thông tại địa phương. Sau khóa tập huấn, 06 đội đã được lựa chọn và nhận giải thưởng từ 25.000.000 đồng- 45.000.000 đồng và hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện các dự án truyền thông thúc đẩy di cư an toàn và phòng chống mua bán người đa dạng về hình thức và nội dung (bao gồm các cuộc thi online, các chương trình truyền thông trực tiếp, sáng kiến video ngắn và các góc thông tin di cư an toàn).

Hội LHPN các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, phụ nữ và người dân cộng đồng kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, về di cư lao động an toàn, pháp luật về đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,... Lồng ghép tuyên truyền với nhiều nội dung khác như phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xây dựng gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế giảm nghèo, ... Phối hợp tổ chức các cuộc truyền thông, trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ. Phát hành tài liệu sinh hoạt hội viên, sổ tay tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; phối hợp xây dựng tin , bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội của Hội.

Các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trong quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội gắn với phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 10.058.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được học tập, tuyên truyền, tập huấn về nội dung phong trào thi đua. Thông qua các buổi sinh hoạt, học tập đã tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ luôn ý thức cảnh giác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em.

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội được các cấp Hội tăng cường đẩy mạnh. Trung ương Hội phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV5, VTV1), với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV4), với Truyền hình Quốc hội xây dựng các chương trình phóng sự, tọa đàm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ, người dân vùng dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan trong đó có nội dung phòng chống mua bán người.

Hội LHPN Việt Nam tập trung tuyên truyền trên thông tin, kiến thức phòng, chống MBN lồng ghép với phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội trên các báo điện tử, Cổng thông tin điện tử, trang Fanpage của Hội. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Fanpage  Hội LHPN Việt Nam đã đăng tải 240 tin ảnh, video, infographic, livestream tuyên truyền các nội dung liên quan đến hoạt động công tác Hội, trong đó có tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, PCMBN. Nhiều sự kiện được kết hợp trực tiếp và Livestream trên Fanpage của Hội thời gian qua. Các cấp Hội đã đăng tải 28.423 tài liệu truyền thông trên Trang thông tin điện tử, kênh truyền thông điện tử và mạng XH của Hội tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương và các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống mua bán người. Báo Phụ nữ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Hội tiếp tục đưa các tin bài về các vụ việc mua bán người, mua bán trẻ em xảy ra trong 6 tháng đầu năm, cảnh báo những âm mưu, thủ đoạn để người dân chủ động phòng ngừa.

Hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán trở về đã được đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, cụ thể là “Đến cuối nhiệm kỳ, các cấp Hội hỗ trợ 80% phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về được phát hiện tiếp cận ít nhất một dịch vụ trợ giúp xã hội”. Trên cơ sở Nghị quyết đã ban hành, hàng năm các cấp Hội thực hiện lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết các vụ việc vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em; phát hiện phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán trở về để hỗ trợ.

Trong 6 tháng đầu năm các cấp Hội địa phương đã phát hiện và lên tiếng 1.364 vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em, chủ yếu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Riêng Ban Chính sách - Luật pháp - TW Hội (CSLP) đã tham mưu lên tiếng 14 vụ việc. Ban đã nhận được 03 đơn thư liên quan đến mua bán người, trong đó ban hành 02 công văn gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.Trước các vụ việc xâm hại, bạo lực, mua bán người với PNTE, Ban CSLP Trung ương Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp với cấp Hội địa phương nhanh chóng vào cuộc, kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; có các giải pháp  hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe… cho nạn nhân, nhất là trẻ em gái bị xâm hại nhằm thể hiện rõ vai trò, chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em của tổ chức Hội.

Tổng đài 1900 96 96 80 của Ngôi nhà Bình yên (NNBY) thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - TW Hội LHPN Việt Nam đã tiếp nhận 942 cuộc gọi (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện 1.546 lượt tham vấn (trong đó vấn đề bạo lực gia đình chiếm 85%). Tổng số tạm lánh của NNBY Hà Nội là 36 người tạm trú (22 Người lớn, 14 trẻ em) trong đó NNBY bạo lực có 31 người tạm trú (17 PN, 14 TE); NNBY mua bán có 05 người tạm trú (04 PN; 01 nam giới); Tiếp nhận mới 32 người tạm trú (18PN; 14TE). NNBY Cần Thơ hỗ trợ và tiếp nhận mới 07 người tạm trú (03PN, 04TE).

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Hội phụ nữ các cấp trong suốt quá trình hỗ trợ nạn nhân, bao gồm thời gian tạm lánh và theo dõi hồi gia khi trở về địa phương. Các dịch vụ của NNBY được đảm bảo, 100% người tạm trú khi tới NNBY đều được hỗ trợ tạm lánh an toàn; 100% các ca tạm lánh được hỗ chăm sóc sức khỏe ban đầu, các trường hợp nạn nhân của mua bán người và xâm hại tình dục đều được đi khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục và kiểm tra sức khỏe tổng quát. Đặc biệt, hỗ trợ 05 trường hợp đi cấp cứu khẩn cấp và giám định vết thương phục vụ điều tra.100% người tạm trú vào NNBY đều được tham vấn tâm lý: Thực hiện 140 lượt tham vấn tâm lý cá nhân và 15 buổi tham vấn nhóm; Thực hiện đánh giá tâm lý chuyên sâu cho 05 ca; chuyển tuyến 03 ca đến chuyên gia trị liệu tâm lý và bệnh viện. Về vấn đề pháp lý, 100% phụ nữ tạm lánh tại NNBY được tham vấn, cung cấp thông tin về các vấn đề pháp luật, hướng dẫn và các thủ tục giải quyết bạo lực và ly hôn theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội biên phòng, công an, Hội LHPN các tỉnh xác minh nhân thân cho 04 ca trở về gia đình sau nhiều năm bị mua bán và hỗ trợ 01 phụ nữ nước ngoài mang thai nghi ngờ là nạn nhân bị mua bán. Hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế cho 15 trường hợp. Tổ chức 56 buổi trị liệu nhóm bằng cách làm các hoạt động thủ công và nghệ thuật vẽ tranh, sinh hoạt kỹ năng sống theo chủ đề; 03 buổi tham quan, dã ngoại ngoài trời. Tổ chức sinh nhật cho người tạm trú và các hoạt động nhân các dịp lễ cổ truyền của Việt Nam. Hỗ trợ theo dõi hồi gia 52 ca tại cộng đồng.

TW Hội phối hợp với IOM triển khai dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ”, từ năm 2020. Ban Quản lý Dự án tiếp tục duy trì, vận hành hành 05 Văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO)[2] thông qua các hoạt động truyền thông; gặp gỡ, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương. Kết quả từ tháng 1- 5/2024, 05 Văn phòng OSSO đã tư vấn và hỗ trợ cho 115 phụ nữ di cư hồi hương với 693 lượt. Trong đó: Tư vấn pháp lý 210 lượt; Tư vấn tâm lý 194 lượt; Tư vấn Y tế, sức khỏe, gia đình: 78 lượt; Tư vấn việc làm 100 lượt; Tư vấn các vấn đề khác 111 lượt.

Các cấp Hội tích cực, chủ động lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Ngay sau khi các việc xảy ra, các cấp Hội kịp thời nắm tình hình, động viên thăm hỏi và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. Đối với các nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại tình dục được phát hiện, các cấp Hội đã hỗ trợ các nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ trợ cấp xã hội như: vận động nhận đỡ đầu hàng tháng, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, vận động tặng quà…Trong kỳ báo cáo, có 144 phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của BLGĐ, nạn nhân MBN trở về được phát hiện (BLGĐ 123 người, MBN 21), các cấp Hội đã giúp đỡ 122/144 nạn nhân được tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 85%. Điển hình như Hội LHPN Hà Nội đã phát hiện và hỗ trợ 13 nạn nhân BLGĐ và 04 nạn nhân mua bán người, Hội LHPN tỉnh Yên Bái phát hiện và hỗ trợ 28 PN là nạn nhân BLGĐ, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa phát hiện 09 nạn nhân BLGĐ và 02 nạn nhân MBN, đã hỗ trợ 09 nạn nhân BLGĐ tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội.

Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực, chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trong thời gian qua. Hội chủ động từ rất sớm lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức các Hội thảo tham vấn và ban hành văn bản góp ý gửi Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an). Năm 2022, Hội tổ chức 02 hội thảo tham vấn chuyên gia, tháng 3/2024 tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) với sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia đến từ các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo), các bộ ngành, các cơ quan hữu quan, các tổ chức,... Hội nghị tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái; vấn đề lồng ghép giới, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người. Sau Hội nghị, TW Hội LHPN Việt Nam ban hành Báo cáo phản biện gửi Cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện Dự thảo Luật. Ngoài ra, TW Hội LHPN Việt Nam tích cực tham gia phát biểu ý kiến, quan điểm của Hội tại các Hội thảo, Hội nghị liên quan, thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức của Uỷ ban các vấn để xã hội của Quốc hội. Đặc biệt, tại phiên thảo luận tổ ngày 8/6/2024, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã có bài phát biểu ý kiến trong đó góp ý, bổ sung một số vấn đề liên quan đến nguyên tắc ưu tiên phụ nữ, trẻ em, trách nhiệm của gia đình, mở rộng địa chỉ chuyển tuyến nạn nhân trong Dự thảo Luật và đặc biệt quan tâm nâng cao cơ sở pháp lý của Hội LHPN Việt Nam trong Vận hành Trung tâm trợ giúp xã hội hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân tại Điều 20 Dự thảo Luật.

Tại địa phương, 56/60 tỉnh/thành Hội có văn bản tổng hợp ý kiến góp ý của hội viên, phụ nữ về Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).Các cấp Hội chủ động tham gia giám sát thực hiện luật pháp chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

Đối chiếu với Dự thảo 5 Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)[3], trên 10 nội dung ý kiến của Hội đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, sửa đổi[4], đặc biệt Dự thảo Luật đã quan tâm lồng ghép các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người, các chế độ cho nạn nhân, bảo đảm nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.

Trong 6 tháng cuối năm, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai nhiệm vụ, tập trung vào một số hoạt động trọng tâm như sau:

- Phối hợp với Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 năm 2024 tại tỉnh Lào Cai, dự kiến 800 đại biểu tham dự; Phối hợp với Hội LHPN tỉnh Tây Ninh tổ chức Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người tại tỉnh Tây Ninh; Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày pháp luật nước cộng hòa XHCN Việt Nam (9/11), hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (15/11-15/12/2024). 

- Tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, tập trung các bài viết tuyên truyền mang tính tương tác cao trên mạng xã hội, đặc biệt nhấn mạnh các đợt hưởng ứng tháng hành động về phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; đợt cao điểm về tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật; tháng cao điểm về đấu tranh chống tội phạm mua bán người; Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7; Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam; tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới;…

- Thực hiện tốt các chương trình/kế hoạch phối hợp, dự án hợp tác với các cơ quan tổ chức quốc tế trong nước, đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương để thực hiện công tác phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống MBN ở các cấp Hội.

- Tiếp tục tham gia xây dựng pháp luật về phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, nhất là đối với dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tuyên truyền các nội dung góp ý dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) liên quan đến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo Luật PCMBN (sửa đổi).

- Tiếp tục phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) triển khai thí điểm mô hình Xã di cư an toàn và các hoạt động truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn tại 8 xã của 04 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; triển khai dự án "Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình của họ” – Văn phòng OSSO tại 05 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ, Hậu Giang.



[1] Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tường Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030

[2] Các Văn phòng OSSO tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ, Hậu Giang

[3] Dự thảo 5 Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sử dụng tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

[4] ghgh(1) Bổ sung tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm là một trong những nguyên tắc của PC MBN – Điều 4.2, (2) Bổ sung nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCMBN bao gồm chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân, địa chỉ tin cậy, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, kết quả công tác điều tra, xử lý các vụ việc mua bán người – Điều 7.2.g, (3) Bổ sung căn cứ xác định nạn nhân bao gồm lời khai, tài liệu do người biết sự việc cung cấp – Điều 31.2.g, (4) Bổ sung hỗ trợ tư vấn việc làm cho nạn nhân MBN – Điều 37.1.đ, (5) Bổ sung nội dung hỗ trợ nhu cầu thiế yếu và chi phí đi lại bao gồm được bố trí chỗ ở tạm thời – Điều 38, (6) Bổ sung quy định về cở sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân phù hợp với đặc điểm, tình trạng bản thân của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân – Điều 46.1.b, (7) Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý cho cả những người trong quá trình xác định là nạn nhân, (8) Bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp trong việc cấp phép hoạt động các cơ sở hỗ trợ nạn nhân – Điều 60.1.g, (9) Bổ sung quy định về tuần tra, kiểm soát an ninh trên không gian mạng để phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn hành vi lừa đảo, mua bán người trên không gian mạng (Điều 9.4), (10) Bổ sung quy định về xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống mua bán người (Điều 9.3), (11) Bổ sung đối tượng được hỗ trợ là “người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân” tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Tác giả: Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang