image banner
Tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy
TUYÊN TRUYỀN  VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Phần 1

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Sơn La là một trong những địa phương trọng điểm về ma túy của cả nước với 274,065 km đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, cách khu vực “Tam giác vàng” - trung tâm sản xuất ma tuý lớn của thế giới khoảng 700 km, nằm trên tuyến trọng điểm Tây  Bắc tội phạm lợi dụng để hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa. Tỉnh có 11 huyện, 01 thành phố; 204 xã, phường, thị trấn; 2.303 bản, tiểu khu, tổ dân phố; trong đó có 06 huyện biên giới với 17 xã; có 02 huyện, 118 xã, 1.708 bản đặc biệt khó khăn; dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người, trong đó khoảng 82% là dân tộc thiểu số, 79% sinh sống ở khu vực nông thôn.

Trong giai đoạn 2019 - 2022, tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp tại một số huyện biên giới, tuyến, địa bàn trọng điểm, cụ thể:

1. Tình hình tệ nạn ma tuý

 Số người nghiện trên địa bàn còn nhiều, đến ngày 20/12/2022 trên địa bàn toàn tỉnh có 6.486 người liên quan đến nghiện các chất ma túy có hồ sơ quản lý (chiếm khoảng 0,56% dân số toàn tỉnh; so với cuối năm 2018 giảm 2.299/8.785 người nghiện = 26%; trung bình mỗi năm giảm 574 người), trong đó: * số đang điều trị tại cơ sở cai nghiện ma túy 1.447 người (chiếm 22,3%); * số cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 821 người (chiếm 12,7%); * số tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine 970 người (chiếm 15%); * số trong cơ sở giam giữ 773 người chiếm 11,9%); * số đang trong thời gian theo dõi sau cai 1.861 người (chiếm 28,7%); * số đã hết thời gian theo dõi sau cai nhưng nguy cơ tái nghiện cao 614 người (chiếm 9,5%); ngoài ra có 869 người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lýCông tác rà soát, phát hiện người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy ở một số địa bàn cơ sở còn bất cập; tỷ lệ số người tái nghiện còn cao (447/3403 người chiếm 14% người tái nghiện sau cai từ 01 - 05 năm); số người được hỗ trợ sau cai nghiện còn hạn chế (trong số 3403 người quản lý sau cai có 724 người được tư vấn, 249 người được giới thiệu việc làm; 23 hộ được vay vốn…)Số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp,  ma túy mới, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát, trong khi đó hình điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine chỉ áp dụng điều trị đối với các chất ma túy truyến thống. Số người nghiện ngoài cộng đồng còn chiếm tỷ lệ lớn và chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đây là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy lớn, là một trong những nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác về trật tự xã hội.

2. Tình hình tội phạm về ma túy

 Từ năm 2019 đến 2022 đã phát hiện, bắt giữ 4.624 vụ, 6.011 đối tượng; thu giữ: 191,01kg hêrôin, 46,8kg thuốc phiện, 1.794.124 viên ma túy tổng hợp, 11.745,65kg ma túy khác, 45 khẩu súng, 717 viên đạn các loại và nhiều tang vật liên quan (trung bình bắt giữ 1.156 vụ, 1.503 đối tượng/năm; so với giai đoạn 2015 - 2018: tăng 221/935 vụ, 62/1.441 đối tượng; giảm 42kg hêrôin, 6.966kg thuốc phiện; tăng 193.206 viên MTTH, 2.630 kg ma túy khác); đã phát hiện triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn xuyên quốc gia, qua biên giới; triệt xóa nhiều điểm, đối tượng bán lẻ ma túy. Tuy nhiên, số vụ phạm tội ma túy hằng năm luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội trên địa bàn (trên 70%); trong đó chủ yếu là tội phạm về tàng trữ trái phép chất ma túy để sử dụng và mua bán nhỏ lẻ (khoảng 80%); vẫn còn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện (phát hiện, triệt phá 27.110,16 m2 tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh của huyện Mường La, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Sốp Cộp và Quỳnh Nhai; trung bình triệt xóa 7.230m2/năm; so với năm 2018 giảm 10.000/17.200m2); chưa giải quyết căn bản, hiệu quả các điểm, tụ điểm, đối tượng bán lẻ ở xã, phường, thị trấn; chưa triệt phá được những tổ chức, đường dây tội phạm, những đối tượng chủ mưu, cầm đầu mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài, từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ và luân chuyển đi các địa phương, đây là “nguồn cung” gây nên tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, biến Sơn La thành một trong những địa bàn trung chuyển ma túy.

3. Tình hình địa bàn liên quan đến ma tuý

 Năm 2022, qua thẩm định, đánh giá có: (i) 32 xã, phường, thị trấn; 1.191 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 2.011 quan, đơn vị, trường học, trạm y tế không có ma túy; (ii) 84 xã, phường, thị trấn; 901 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 08 cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế có tệ nạn ma túy; (iii) 417 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 88 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy, trong đó 05 xã loại I; 17 xã loại II; 66 xã loại III (so với năm 2018. chuyển hóa giảm mức độ trọng điểm 19 xã, trong đó 08 xã loại 1,05 xã loại II, 06 xã loại III; * chuyển hóa từ xã trọng điểm thành địa bàn có tệ nạn ma túy ít phức tạp 11 xã; * chuyển hóa từ địa bàn có tệ nạn thành địa bàn không có ma túy 08 ).

4. Một số loại ma túy thường gặp ở tỉnh Sơn La

          4.1. Thuốc phiện

          - Cây thuốc phiện còn có tên gọi khác như: ả phù dung, a phiến, anh tử túc, anh túc ... Cây thuốc phiện cao khoảng 0,7 - 1,5 mét, ít phân cành, hoa cây thuốc phiện có hình phễu, cuống dài có mầu trắng, màu hồng hay màu tím; quả của cây thuốc phiện có hình trụ, quả chưa chín có màu xanh, khi chín có màu vàng xám; Nhựa thuốc phiện có màu trắng đục như sữa, để lâu trong không khí sẽ dần dần quánh lại và chuyển dần thành màu nâu, nâu đen và cuối cùng là màu đen.

          - Trên thế giới cây thuốc phiện được trồng nhiều ở hai khu vực chính: vùng "Tam giác vàng" thuộc Đông Nam á gồm các nước Mianma, Thái Lan, Lào và vùng "Lưỡi liềm vàng" gồm các nước thuộc Tây Nam á: Pakistan, Apganixtan, I ran.

          - Nhựa thuốc phiện có chứa nhiều mocphin, codein, narcotin được tồn tại ở các dạng sau:

          + Thuốc phiện sống: được lấy từ quả thuốc phiện, chưa qua quá trình chế biến, có dạng đông đặc, màu đen sẫm, ít tan trong nước.

          + Thuốc phiện chín: Là loại thuốc phiện được bào chế từ thuốc phiện sống bằng phương pháp sấy khô.

          + Sái thuốc phiện: là phần sản phẩm cháy còn lại trong tẩu sau khi hút.

          * Cách nhận biết bằng cảm quan: Nhựa thuốc phiện ở dạng cao đông đặc, dẻo, có màu sắc từ nâu xám cho đến màu đen. Nó có mùi ngái rất đặc trưng, có vị đắng và khó tan trong nước lạnh, nếu đun nóng thì dễ tan hơn, thuốc phiện y tế có màu nâu xám giống như màu cà phê.

          4.2. Morphin

          - Morphin là một ancaloit chính của nhựa thuốc phiện, trong điều kiện bình thường Morphin kết tinh dạng bột tinh thể có vị đắng, có màu trắng để lâu trong không khí có màu hơi vàng và chuyển thành màu xám, dễ tan trong nước, khó tan trong cồn etilic. 

          - Morphin được chế tạo thành công vào năm 1805 được gọi là món quà của chúa vì nó có tác dụng làm giảm đau. Độc tính của Morphin gấp 10 - 12 lần so với thuốc phiện.

          * Cách nhận biết bằng cảm quan: Morphin tinh khiết thường tồn tại dạng tinh thể màu trắng, có vị rất đắng, hòa tan trong nước theo tỉ lệ 1/5000. Trong y học Morphin được sản xuất dưới dạng thuốc tiêm có ghi rõ ngoài nhãn Morphine sulphate hoặc Morphine tartrate. Dạng viên nén thì Morphinclohyđrát 10 mg, 30 mg, 60 mg và 100 mg/1 viên.

          4.3. Hêrôin

          - Hêrôin có tên khoa học là Diaxetyl morphin, tên gọi khác: Bạch phiến, Hamer, Boy. Hêrôin được điều chế lần đầu tiên vào năm 1974, nó là chất bán dẫn tổng hợp được tạo thành bằng cách cho Morphin tác dụng với anhydricaxetic. Năm 1899 nó được công ty dược phẩm của Đức sản xuất thành dạng thuốc chữa ho. Hêrôin gây nghiện cao, độc hơn Morphin từ 5 đến 8 lần và khó cai nghiện hơn rất nhiều.

          - Bình thường Hêrôin tồn tại ở tinh thể màu trắng, nếu có lẫn tạp chất thì có màu sắc khác nhau, từ màu trắng đến màu xám, có vị đắng, mùi chua như dấm ăn

          - Hiện nay Hêrôin được sản xuất dưới dạng sau: dạng bột mịn, dạng bột được đóng bánh hình chữ nhật nặng 350 gam, phổ biến ký hiệu ở bên ngoài là hình hai con sư trư chầu quả cầu, ký hiệu 9999, ký hiệu ba hình sao năm cánh và nhãn hiệu hình con voi ...

          - Hêrôin có khả năng gây nghiện rất nhanh cho người dùng, chỉ cần 2 đến 3 lần sử dụng là có khả năng bị nghiện ngay, không cưỡng lại nổi. Khi nghiện Hêrôin, người nghiện cảm thấy mình dũng cảm hơn, hoạt động tích cực hơn, không có cảm giác xấu hổ, nhiều tưởng tượng, mơ mộng va quyến rũ hơn nhiều so với dùng thuốc phiện và moocphin. Hêrôin độc gấp 5 -8 lần so với Moocphin nên người nghiện bị suy sụp nhanh cả về thể chất và tinh thần, nếu dùng quá liều có thể dẫn tới tử vong (chỉ cần một liều 0,06 gam người dùng có thể chết ngay sau khi rút kim tiêm ra khỏi cơ thể). Các đối tượng nghiện thường sử dụng Hêrôin bằng 2 dạng: Tiêm chính và hít.

          Cách nhận biết bằng cảm quan: Thường tồn tại ở dạng tinh thể màu trắng, hòa tan trong nước theo tỷ lệ 1/700.  Hêrôin ở Đông Nam á có màu trắng đến màu xám nhạt, nó thường được đóng thành bánh hình chữ nhật nặng khoảng 350 gam hoặc 360 gam, nhãn ở bên ngoài là hình 2 con sư tử chầu quả cầu, ký hiệu 999, biểu tượng con voi; Hêrôin Tây Nam á có màu trắng, trắng sữa, màu nâu hoặc màu nâu nhạt; Hêrôin Trung và Nam Mỹ có dạng bột, màu trắng, màu nâu, thậm chí có màu đen.

          4.4. Các chất ma tuý tổng hợp (thuốc lắc)

          - Các chất này được điều chế hoàn toàn từ các hoá chất trong phòng thí nghiệm. Nó có tác dụng giảm đau không kém gì Moocphin, độ độc thuộc bảng A, rất nguy hiểm, có tính gây nghiện, khả năng lạm dụng rất cao.

          - Đây là các chất gây ảo giác khoẻ mạnh giả tạo, nhất thời, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh thị giác, hệ thần kinh vận động, làm cho hình nhìn thấy bị khuyết đại, méo mó, sai lệnh về kích thước, không phân biệt sáng tối, không có khái niệm về không gian, gây ra những cơn co giật vùng đầu, mặt, cổ và các chi. Vì vậy người dùng thuốc lắc có thể lắc suốt đêm mà không biết mệt, có nhận thức hành vi lệch lạch như hò hét, dâm ô ....

          - Khi sử dụng ma tuý tổng hợp (thuốc lắc) người dùng có những ảo ảnh khác thường, màu sắc chung quanh họ trở nên chói chang, rực rỡ hơn, những người đứng trước họ trở lên to hơn, đẹp hơn hay hung tợn hơn, thậm chí chập chờn xuất hiện những cơn ảo mộng bay lơ lửng trên những dám mây nhiều màu, tràn trề ánh sáng, sau khi thuốc lắc hết tác dụng người nghiện trở nên mệt mỏi, buồn ngủ.

- Thường tồn tại ở dạng viên nén, viên con nhộng, dạng ống thuốc tiêm, là chất ma tuý hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nếu dùng nhiều gây ra bệnh hoang tưởng.

          * Cách nhận biết bằng cảm quan: Bình thường Methamphetamin, MDMA tồn tại ở dạng lỏng, không màu, ít tan trong nước và dễ tan trong một số dung môi hữu cơ khác. ở thị trường ma tuý bất hợp pháp thường được sử dụng dưới dạng muối clohyđrat, chúng tồn tại dưới đạng viên nén, viên con nhộng, hoạt dung dịch thuốc tiêm vì thế chúng có hàng trăm hình dạng và màu sắc khác nhau. Tuy nhiên một số loại phổ biến thường có màu hồng, màu da cam, màu tím, màu xanh lá cây ..., trên viên nén có một số ký hiệu như: chữ M; A, Love, VOP; 99, hình lưỡi liềm, hình cá voi, hình trái tim, hình chiếc ô tô ....

4.5. Một số loại ma túy mới xuất hiện

a) Cocain (là hoạt chất trích xuất từ lá cây Coca)

- Tên khác: Crack, Ice, hay "Morphine nhận tạo", thường tồn tại dưới Dạng tồn tại: bột, tinh thể nhỏ, Màu trắng, không mùi, vị đắng. Côcain được chiết tách từ cây Côca vào những năm 1880, nó được dùng là thuốc gây tê trong giải phẫu mắt. Hiện nay do tiến bộ khoa học kỹ thuật đã sản xuất ra một số thuốc gây mê cục bộ an toàn hơn nên nó không còn được sử dụng trong phẫu thuật.

- Theo một số tài liệu được tham khảo thì cây Côca du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20, được trồng chủ yếu ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Người dân thường nhai lá nuốt nước để giải khát và chống mệt mỏi.

b) Ma tuý tổng hợp

- Tại Việt Nam, sau một thời gian dài ngự trị của thuốc phiện, Heroin, ma tuý tổng hợp được du nhập vào nước ta những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Ban đầu là những viên hồng phiến, sau đó là viên nhộng (thường gọi thuốc lắc). Sau đó xuất hiện dạng bột (Ke), tinh thể (đá) như hiện nay.

- Do nhu cầu tiêu thụ trong nước mạnh nên ma túy tổng hợp (MTTH) được đưa trái phép vào Việt Nam ngày một nhiều, cả về chủng loại, mẫu mã. Bình thường Methamphetamin, MDMA tồn tại ở dạng lỏng, không màu, ít tan trong nước và dễ tan trong một số dung môi hữu cơ khác. Ở thị trường ma tuý bất hợp pháp thường được sử dụng dưới dạng muối clohyđrat, chúng tồn tại dưới đạng viên nén, viên con nhộng, hoạt dung dịch thuốc tiêm vì thế chúng có hàng trăm hình dạng và màu sắc khác nhau. Tuy nhiên một số loại phổ biến thường có màu hồng, màu da cam, màu tím, màu xanh lá cây ..., trên viên nén có một số ký hiệu như: chữ M; A, Love, VOP; 99, hình lưỡi liềm, hình cá voi, hình trái tim, hình chiếc ô tô ....

          c) Ma tuý đá hay còn gọi là hàng đá, chấm đá có chứa chất methamphetamine (meth) và amphethamine (amph) thậm chí là niketamid được phối trộn phức tạp từ các loại hoá chất (tiền chất) khác nhau trong đó thành phần chính, phổ biến là methamphetamine .

- Loại ma tuý này được giới sử dụng gọi là đá vì hình dạng bên ngoài trông giống đá - là tinh thể kết tinh thành những mảnh vụn li ti, gần giống với hạt mì chính (bột ngọt) hoặc giống hạt muối và óng ánh giống đá.

Nếu dùng ATS thời gian dài sẽ gây nghiện. Người sử dụng ATS thường thiếu ngủ, chán ăn, đánh trống ngực, chóng mặt và các dấu hiệu cường giao cảm như: tăng huyết áp, tăng thân nhiệt và rối loạn tâm thần, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm sinh lý và nhiều chức năng khác của cơ thể. Dùng ATS liều cao có thể dẫn tới loạn thần, ảo giác rất dễ tấn công người khác và làm bị thương bản thân.

          d) Kẹo cần sa: hiện nay đã xuất hiện một số loại kẹo, bánh có chứa cần sa, được ngụy trang rất bắt mắt, có hình dáng rất giống với các loại kẹo dẻo, kẹo mút thông thường, bánh chứa cần sa có mầu nâu socola và được đựng trong các túi nhỏ từ 50 đến 200g. Khi sử dụng sẽ có cảm giác kích thích thần kinh, sảng khoái khó kiểm soát được hành vi của bản thân, dễ khóc, dễ cười. Tuy nhiên khi sử dụng lâu dài sẽ dẫn tói nghiện, khiến cho người sử dụng có những cảm nhận khác hoàn toàn thế giới bên ngoài, dễ bị kích động dẫn đến những hành vi nhảy nhót, đánh nhau, giết người. Cá biệt có trường hợp nhảy lầu vì tưởng mình biết bay, hoặc đang đi xuống cầu thang.

đ) Tem giấycòn được gọi là bùa lưỡi, thực chất là một miếng giấy dán tem có kích thước 1.5 x 1.5 cm, trong miếng bìa có khoảng 25 tem giấy. Trên bìa in hình các nhân vật nổi tiếng như Einstein hay các ca sĩ nổi tiếng, giống như miếng bìa chơi của trẻ con, giá khoảng 20.000đ mỗi miếng tem. Được tẩm chất LSD là chất gây nghiện được bán tổng hợp từ nấm cựa gà. Đây là chất gây ảo giác mạnh nhất cho đến nay, chỉ cần vài chục microgam là có thể gây ảo giác, vì vậy được xem là chất ma túy nguy hiểm nhất. Đa số người nghiện sẽ gây hại đến bố mẹ, người thân, bạn bè... vì sau khi sử dụng sẽ xuất hiện ảo giác tưởng những người trước mặt là yêu quái, quái vật....

e) Tệ nạn hít “keo” (còn gọi là lạm dụng dung môi hữu cơ)

- Về nguyên tắc, các loại keo dán (gỗ, nhựa, kim loại) bao gồm 2 thành phần chính: chất kết dính (polymer) và dung môi, trong đó dung môi đóng vai trò hoà tan và pha loãng chất kết dính và là một chất dễ bay hơi, sẽ là một tác nhân chính trong việc hít keo. Hiện tượng hít keo dán (gỗ, nhựa, kim loại) thực chất là việc hít các dung môi hữu cơ, việc sử dụng dung môi thông qua việc hít hơi của nó để tìm cảm giác sảng khoái.

- Hiện nay một số thanh, thiếu niên (kể cả học sinh phổ thông) ở một số thành phố lớn (đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh) đang lạm dụng việc hít các dung môi hữu cơ trong các loại keo dán gỗ, nhựa, kim loại để tìm ảo giác thay thế cho việc sử dụng ma túy tổng hợp.

- Tác hại của việc hít keo: một người sau khi hít keo sẽ có tác dụng gây cảm giác lâng lâng, đê mê (kiểu ma túy). Các dung môi hữu cơ này là loại dung môi bay hơi có thể gây nghiện nếu thường xuyên hít, ngửi các chất này người hít có cảm giác sảng khoái, ảo giác, thậm chí lú lẫn nếu hít quá nhiều mà người nghiện thường gọi là “phê”. Nếu hít thời gian ngắn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây trầm cảm, ức chế hô hấp, tổn hại phổi, hại gan, thận, gây suy tủy xương, rối loạn nhịp tim, thoái hóa não, ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên; nếu hít thường xuyên, lâu dài sẽ bị bệnh ung thư. Cũng như các chất gây nghiện khác, khi đã nghiện dung môi bay hơi, người nghiện sẽ luôn nhớ cảm giác do nó mang lại và phải tiếp tục sử dụng nó. Đến một lúc nào đó sử dụng liều cũ không thỏa mãn, họ phải sử dụng liều cao hơn để đạt được cảm giác mong muốn, dần dần họ trở thành “nô lệ” của chất gây nghiện.

g) Trào lưu hút “pin”(còn gọi là hút “thuốc lào Canada”)

Thời gian qua và hiện nay, một số thanh, thiếu niên ở một số địa phương, đặc biệt là ở thành phố Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng và dần nghiện một loại thảo dược mới thuộc họ cần sa có xuất xứ từ nước ngoài, mà dân chơi (người sử dụng) thường gọi bằng các tên gọi khác nhau, ở Hà Nội, Hải Phòng dân chơi thường gọi là: “pin”, “cỏ Malay”, còn ở thành phố Hồ Chí Minh dân chơi gọi là “cỏ Ca” hay còn gọi là “thuốc lào Canada”, bởi chúng có xuất xứ từ Canada. Loại thảo dược này được liệt vào danh mục các tiền chất ma túy và bị Nhà nước ta cấm buôn bán, sử dụng.

Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng loại pin ma túy này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Sử dụng loại thảo dược này sẽ kích thích đến não người sử dụng ở mức độ nhẹ hơn ma túy. Sau khi hút pin, người hút bị kích thích thần kinh, tùy theo ảo giác từng người khi như bay bổng, lúc ngồi yên nhẹ nhàng trên ghế, đờ đẫn ngắm đèn đường. Có người sử dụng xong cảm thấy phấn khích, tưởng tượng đang cầm micro mà đứng hát hò vang trời. Loại pin này cũng gây nghiện như các loại ma túy khác, người hút lâu dài sẽ tổn thương các tế bào não và có thể làm người sử dụng bị suy nhược thần kinh, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung.

Phần 2

QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

1. Việc xác định tình trạng nghiện ma túy

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thì việc xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:

- Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.

- Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định.

- Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.

- Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.

- Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán, quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy

2.1 Tiêu chuẩn chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy

Tại Điều 3, Thông tư số 18/2021/TT-BYT quy định Tiêu chuẩn chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy, bao gồm 06 tiêu chuẩn sau đây:

a) Tiêu chuẩn 1: Ham muốn mạnh mẽ hoặc cảm giác bắt buộc phải sử dụng chất ma túy.

b) Tiêu chuẩn 2: Khó khăn trong việc kiểm soát các hành vi sử dụng ma túy về thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc hoặc mức sử dụng.

c) Tiêu chuẩn 3: Có hiện tượng dung nạp với chất ma túy.

d) Tiêu chuẩn 4: Ngày càng trở nên thờ ơ với các thú vui hoặc sở thích khác do sử dụng chất ma túy.

đ) Tiêu chuẩn 5: Tiếp tục sử dụng ma túy mặc dù đã biết về các hậu quả có hại của chất ma túy.

e) Tiêu chuẩn 6: Có trạng thái cai ma túy (hội chứng cai ma túy) khi ngừng hoặc giảm sử dụng chất ma túy.

2.2. Quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy

Tại Điều 4 Thông tư số 18/2021/TT-BYT quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy, theo đó để xác định tình trạng nghiện ma túy thực hiện theo quy trình 04 bước sau:

a) Bước 1. Tiếp nhận người và thu thập thông tin liên quan của người cần xác định tình trạng nghiện ma túy.

b) Bước 2: Khám bệnh, theo dõi lâm sàng, ghi thông tin vào hồ sơ bệnh án và Phiếu tổng hợp theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Bước 3: Ghi kết luận

- Trường hợp chỉ có 01 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy hoặc có 02 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện chất ma túy trong đó có tiêu chuẩn 6 thì ghi kết luận “không nghiện ma túy” vào Phiếu tổng hợp theo dõi xác định tình trạng nghiện ma túy và trả ngay kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

- Trường hợp có ít nhất 03 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy thì ghi kết luận “có nghiện ma túy” vào Phiếu tổng hợp theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy và trả ngay kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

- Trường hợp có 02 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy, trong đó không có tiêu chuẩn 6 hoặc các dấu hiệu theo các Tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy chưa rõ ràng thì thực hiện theo bước 4 quy định tại Khoản 4 Điều này.

d) Bước 4: Khám bệnh, theo dõi lâm sàng, ghi thông tin và kết luận vào hồ sơ bệnh án và các Phiếu theo dõi trong trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này:

- Chỉ định và tiến hành ngay việc khám bệnh, theo dõi lâm sàng để xác định tình trạng nghiện ma túy.

- Thực hiện khám bệnh và ghi hồ sơ bệnh án.

- Theo dõi và ghi Phiếu tổng hợp theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy và các Phiếu theo dõi để xác định trạng thái cai các chất ma túy tương ứng với từng chất ma túy gồm: Phiếu theo dõi để xác định trạng thái cai các chất dạng thuốc phiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04; Phiếu theo dõi để xác định trạng thái cai các chất kích thần (các chất dạng amphetamine, cocain hoặc các chất kích thần khác) theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 và Phiếu theo dõi để xác định trạng thái cai cần sa theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này

- Ghi kết luận là “có trạng thái cai các chất ma túy” hoặc “không có trạng thái cai các chất ma túy” vào các Phiếu theo dõi để xác định trạng thái cai các chất ma túy tương ứng với từng chất ma túy. Kết luận về trạng thái cai các chất ma túy được tổng hợp vào Phiếu tổng hợp theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy

- Ghi kết luận về tình trạng nghiện ma túy vào Phiếu tổng hợp theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ bệnh án. Trường hợp có ít nhất 03 Tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy thì kết luận là “có nghiện ma túy”. Trường hợp không đủ 03 tiêu chuẩn của tình trạng nghiện ma túy hoặc chưa biểu hiện rõ các Tiêu chuẩn chẩn đoán do chưa đáp ứng đủ về mặt thời gian thì kết luận là “không nghiện ma túy”. Trả ngay kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Phần 3

QUY TRÌNH CAI NGHIỆN MA TÚY

Theo quy định tại Điều 29 Luật phòng chống ma túy năm 2021 và Chương III Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống Ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy về về quy trình cai nghiện ma túy, cụ thể:

1. Tiếp nhận, phân loại

- Thực hiện các thủ tục tiếp nhận người cai nghiện theo nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Thu thập thông tin cá nhân của người nghiện ma túy để tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện, gồm: độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, loại ma túy sử dụng, mức độ sử dụng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và các vấn đề khác về bản thân, gia đình người nghiện ma túy.

- Thông tin về phương pháp cai nghiện, chương trình cai nghiện; tư vấn, giải đáp các thắc mắc cho người nghiện ma túy.

- Phân loại đối tượng và tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện ma túy.

2. Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác

- Khám, xây dựng bệnh án đối với người cai nghiện; chú ý các dấu hiệu rối loạn tâm thần, bệnh cơ hội.

- Xác định loại ma túy, liều lượng ma túy người nghiện sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tư vấn tâm lý đối với người nghiện trước khi điều trị cắt cơn, giải độc.

- Thực hiện phác đồ điều trị theo các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Kết hợp sử dụng thuốc với các biện pháp tâm lý và các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng; kết hợp điều trị cắt cơn, giải độc với điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội khác.

3. Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách

- Tổ chức dạy văn hóa, học tập các chuyên đề: giáo dục công dân, sức khỏe và cộng đồng, pháp luật, đạo đức, truyền thống dân tộc và chuyên đề phù hợp khác với số lượng, trình độ học vấn người cai nghiện.

- Tổ chức các hoạt động trị liệu tâm lý nhằm điều trị các rối loạn tâm thần, nâng cao kỹ năng sống, giá trị sống, tư duy tích cực, kỹ năng tự quản lý bản thân cho người cai nghiện.

- Kết hợp việc học tập, trị liệu với việc tư vấn, khuyến khích người cai nghiện tham gia các hoạt động lao động sinh hoạt hàng ngày tại cơ sở để tạo ý thức, thói quen tốt trong sinh hoạt.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, các chương trình sinh hoạt tập thể, trò chơi vận động cho người cai nghiện.

4. Lao động trị liệu, học nghề

- Tổ chức các hoạt động lao động trị liệu nhằm giúp người cai nghiện cải thiện về sức khỏe thể chất, tâm trí, tăng cường ý thức tổ chức, kỷ luật trong lao động, nâng cao tinh thần tự lập và giúp người cai nghiện nhận thức được giá trị của lao động.

- Căn cứ vào số lượng, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, trình độ, thời gian, nguyện vọng của người cai nghiện để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

5. Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

- Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện theo các mục tiêu; đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất, tâm thần của người cai nghiện ma túy;

- Xác định nơi cư trú của người cai nghiện để chuẩn bị thực hiện biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy; tư vấn các biện pháp phòng, chống tái nghiện cho người nghiện cai nghiện ma túy; kỹ năng từ chối sử dụng ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng.

- Cung cấp thông tin về biện pháp quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng và các chính sách hỗ trợ hòa nhập của nhà nước đối với người sau cai nghiện ma túy; giới thiệu, cung cấp thông tin, địa chỉ dịch vụ công tác xã hội, nhóm sinh hoạt đồng đẳng tại địa phương cho người cai nghiện ma túy.

- Phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thị trường lao động, tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý nhằm trang bị kiến thức cần thiết, nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người cai nghiện ma túy.

- Kế hoạch cần xác định mục tiêu, nguyện vọng của người cai nghiện ma túy, hoàn cảnh thực tế, sự hỗ trợ của các nguồn lực, năng lực bản thân người cai nghiện ma túy, chọn việc làm phù hợp với sức khỏe và kỹ năng lao động của bản thân.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình cai nghiện

- Quy trình cai nghiện ma túy phải phù hợp với phân loại người nghiện ma túy, thời gian cai nghiện của đối tượng, độ tuổi, giới tính, sức khỏe và trình độ học vấn của đối tượng cai nghiện.

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập

- Cơ sở cai nghiện ma túy công lập do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

- Cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí các khu sau đây:

+ Khu lưu trú tạm thời đối với người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Khu cai nghiện ma túy bắt buộc;

+ Khu cai nghiện ma túy tự nguyện;

+ Khu cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;

+ Khu cai nghiện cho người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhóm B theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

+ Khu cai nghiện cho người có hành vi gây rối trật tự, vi phạm nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy.

- Trong các khu quy định trên phải bố trí khu riêng cho nam giới và khu riêng cho nữ giới. Người có sự khác nhau giữa thực thể và giới tính ghi trong hồ sơ, lý lịch được quản lý tại phòng riêng trong khu vực theo giới tính biểu hiện trên thực thể học viên.

- Hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập bao gồm: 

+ Tiếp nhận và tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện;

+ Thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy;

+ Tiếp nhận, quản lý, giáo dục, tư vấn, điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh khác đối với người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Cơ sở cai nghiện ma túy công lập có quyền sau đây:

+ Tiếp nhận người nghiện ma túy vào cai nghiện ma túy tự nguyện phù hợp với khả năng tiếp nhận của cơ sở cai nghiện;

+ Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy công lập được quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp để quản lý, giáo dục, chữa trị cho người cai nghiện ma túy.

- Cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm sau đây:

+ Tuân thủ các quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy, quản lý người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người cai nghiện ma túy, người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bảo đảm quyền của người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện và cấp giấy xác nhận hoàn thành cai nghiện ma túy bắt buộc cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;

+ Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy công lập có trách nhiệm bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy; niêm yết công khai chi phí cai nghiện ma túy tại cơ sở theo quy định của pháp luật;

+ Phòng, chống thẩm lậu ma túy vào cơ sở;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma túy tự nguyện được tiếp nhận hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành quy trình cai nghiện ma túy phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện.

Phần 4

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ NGHIỆN MA TÚY PHỔ BIẾN

1. Phương pháp cắt ngang (cai vo)

Phương pháp này nhằm cô lập bệnh nhân tại nơi riêng, không cho phép tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ngừng hoàn toàn việc sử dụng matuý, mặc cho bệnh nhân lên cơn vật vã.

- Ưu điểm: không tốn kém

- Nhược điểm: làm cho bệnh nhân không chịu nổi, có nguy hại đến tính mạng người nghiện.

- Phương pháp này có hiệu quả với những người nhận thấy ma tuý là một sai lầm của cuộc đời mình cần phải nghiêm khắc với bản thân mình.

2. Phương pháp giảm dần 

Bằng cách giảm dần liều lượng chất nghiện ma tuý mỗi ngày một ít trong thời gian từ 15 đến 30 ngày, đồng thời tăng cường thuốc an thần, làm cho người nghiện dần quên đi việc dùng ma tuý.

- Ưu điểm: làm cho người nghiện thích nghi dần, cơn nghiện giảm từ từ

- Nhược điểm: thời gian cắt cơn dài, tốn kém về tiền của.

3. Phương pháp thuỷ miên

 Bằng cách tạo cho người nghiện một giấc ngủ nhân tạo bằng thuốc ngủ từ 3-5 ngày. Nuôi bệnh nhân bằng truyền dịch, chăm sóc bệnh nhân trong trường hợp đặc biệt.

- Ưu điểm: giảm cơn vật vã, không đau đớn

- Nhược điểm: đối với bệnh nhân có tâm lý nội tại dễ gây nguy hại đến sức khoẻ.

4. Phương pháp choáng điện

 Bằng cách dùng dòng điện gây co giật hôn mê làm mất cơn vật vã. Người nghiện quên chất ma tuý và có cảm giác kinh sợ khi nhìn thấy chúng.

- Ưu điểm: đơn giãn, rẻ tiền, cắt cơn nghiện nhanh, giúp người nghiện vượt qua giai đoạn vật vã.

- Nhược điểm: mang tính chất tàn bạo, không được người nghiện hưởng ứng.

5. Phương pháp phẫu thuật thuỳ trán

 Phẫu thuật nhằm xoá bỏ một số điểm ở thuỳ trán của não có quan hệ đến sự thèm muốn chất ma tuý, làm cho người nghiện không còn cảm giác thèm ma tuý nữa.

- Ưu điểm: không những cắt được cơn nghiện mà còn cai nghiện vĩnh viễn.

- Nhược điểm: sau khi phẫu thuật bệnh nhân không còn phân biệt được trái phải trong hành động và có thể gây án mạng.

6. Phương pháp dùng thuốc hướng thần

Phương pháp này được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Các thuốc an thần chủ yếu là giảm lo âu: Benzodiazpine (diazpam, sedusen…) thuốc an thần kinh (lovomepromazin, hacoperido) và các thuốc chống trầm cảm (Melipramine hoặc Amirtylme), liều lượng sử dụng tuỳ thuộc từng người nghiện, có tác dụng cắt cơn từ 7-10 ngày.

- Ưu điểm: giảm cơn vật vã và đau đớn nhanh.

- Nhược điểm: phải có sự tham gia của các bác sỹ chuyên khoa tâm thần để xử lý kịp thời các biến chứng.

7. Phương pháp đối kháng ma tuý

Dùng các chất đối kháng morphine như naloxo và noltrexon là những chất đối kháng thực sự cạnh tranh đẩy ma tuý ra khỏi cơ thể (receptor) làm mất tác dụng của morphine. Vì vậy người có sử dụng ma tuý cũng không thấy thích thú nữa. Naltrexon uống đều đặn trong ngày từ 2 đến 3 tháng hoặc lâu hơn.

- Nhược điểm: gây nên trạng thái bứt rứt khó chịu.

8. Phương pháp thay thế

Là phương pháp thay thế chất ma tuý (thuốc phiện hoặc các dẫn xuất của thuốc phiện) bằng methadone. Thật ra Methadone là một dạng thuốc phiện tổng hợp có tác dụng dược lý giống như thuốc phiện, dung nạp chéo với thuốc phiện và ác chế phẩm của thuốc phiện. Thời gian bán huỷ 24 giờ nên chỉ cần uống một lần trong ngày là đủ. Người nghiện vẫn có thể làm việc bình thường.

- Ưu điểm: Pha chế dưới dạng xirô uống được hấp thụ hoàn toàn bằng đường tiêu hoá, không cần tiêm chích, do đó giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B… việc sử dụng dễ dàng, người bệnh không còn thèm nhớ đến ma tuý trước đây, chỉ cần giảm liều từ từ rồi cai hẳn…

9. Liệu pháp tâm lý

- Liệu pháp tâm lý trực tiếp: giải thích hợp lý, thuyết phục, ám thị, thư giãn, luyện tập, liệu pháp hành vi.

- Liệu pháp tâm lý gián tiếp: Môi trường chăm sóc bệnh nhân tận tình, thầy thuốc và gia đình kết hợp nâng đỡ tinh thần người bệnh.

- Ưu điểm: không tốn kém, nhưng đòi hỏi các nhà tâm lý phải có kỹ năng.

10. Phương pháp châm cứu

- Châm cứu các huyệt để giúp người nghiện vượt qua cơn nghiện, được tiến hành từ hiều năm nay tại trung tâm Bình Triệu (thành phố Hồ Chí Minh).

- Ưu điểm: hỗ trợ nhanh, rẻ tiền, nhưng phải tiệt trùng kim tốt.

11. Dùng các bài thuốc y học cổ truyền

- Các loại thuốc đông y thường có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn, ít độc và ít tác dụng phụ, có hiệu lực hỗ trợ trong điều trị cắt cơn nghiện ma túy, quá trình cắt cơn êm dịu, thuốc có khả năng bình ổn các triệu chứng của hội chúng cai như là triệu chứng dị cảm và thèm ma túy.

- Nhược điểm: chưa thực hiện được nghiên cứu mù kép và cơ chế tác dụng của thuốc. Hiện nay có 02 thuốc đông y đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho phép lưu hành trong các trung tâm cai nghiện (thuốc cedemex và thuốc bông sen).

Phần 5

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

            1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy (Điều 4, Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ)

1. Hồ sơ xác định tình trạng nghiện ma túy gồm:

a) Đơn đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (sau đây gọi tắt là Đơn đề nghị). Trường hợp người dưới 18 tuổi; người mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải có ý kiến đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người đó;

b) Bệnh án theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

c) Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (sau đây gọi tắt là Phiếu kết quả).

2. Trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy:

a) Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy nộp đơn đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và xuất trình cho cơ sở y tế một trong các giấy tờ sau: chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có ảnh, thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng;

b) Cơ sở y tế tiếp nhận đơn đề nghị, tiếp nhận người bệnh, đối chiếu thông tin cá nhân, lập bệnh án;

c) Cơ sở y tế thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế;

d) Cơ sở y tế lập Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy thành 02 bản theo mẫu quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này; 01 bản lưu bệnh án, 01 bản trả cho người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy tại nơi tạm giữ có cơ sở y tế đủ điều kiện (Điều 5, Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ)

1. Hồ sơ xác định tình trạng nghiện ma túy gồm:

a) Giấy đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy do cơ quan công an cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan công an) lập theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể;

c) Bản tóm tắt lý lịch người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này (sau đây gọi tắt là Bản tóm tắt lý lịch);

d) Bản sao quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính;

đ) Bệnh án theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

e) Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy

a) Cơ quan công an gửi hồ sơ gồm: giấy đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy, bản sao phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, bản tóm tắt lý lịch, bản sao quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đến cơ quan quản lý trực tiếp nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính (sau đây gọi tắt là nơi tạm giữ);

b) Cơ quan quản lý trực tiếp nơi tạm giữ chuyển ngay hồ sơ của cơ quan công an đến nơi tạm giữ;

c) Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của cơ quan công an, nơi tạm giữ chuyển hồ sơ và người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy đến cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy;

d) Cơ sở y tế lập bệnh án và thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Nơi tạm giữ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế và bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn bộ quá trình xác định tình trạng nghiện ma túy;

đ) Sau khi hoàn thành quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, cơ sở y tế lập Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy thành 02 bản trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt theo mẫu quy định tại điểm e Khoản 1 Điều này; 01 bản lưu bệnh án, 01 bản trả cơ quan công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người bị tạm giữ hành chính được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy tại nơi tạm giữ không có cơ sở y tế đủ điều kiện (Điều 6 Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ)

1. Hồ sơ xác định tình trạng nghiện ma túy thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy:

a) Cơ quan công an gửi hồ sơ gồm: giấy đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy, bản sao phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, bản tóm tắt lý lịch, bản sao quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đến cơ sở y tế đủ điều kiện được cơ quan có thẩm quyền chỉ định thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ của cơ quan công an, cơ sở y tế có trách nhiệm cử cán bộ y tế đến nơi tạm giữ để thực hiện nhiệm vụ;

c) Cơ sở y tế lập bệnh án và thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Nơi tạm giữ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn bộ quá trình xác định tình trạng nghiện ma túy;

d) Sau khi hoàn thành quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, cơ sở y tế lập Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy thành 02 bản trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt theo mẫu quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định này; 01 bản lưu bệnh án, 01 bản trả cơ quan công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy.

4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người không bị tạm giữ theo thủ tục hành chính quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 2 Nghị định này[1]

1. Hồ sơ xác định tình trạng nghiện ma túy gồm các điểm a, b, c, đ và e Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với trường hợp địa điểm là cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy:

a) Cơ quan công an gửi hồ sơ gồm: giấy đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy, bản sao phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, bản tóm tắt lý lịch và chuyển người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy đến cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy;

b) Cơ sở y tế lập bệnh án và thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Cơ quan công an nơi gửi hồ sơ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn bộ quá trình xác định tình trạng nghiện ma túy;

c) Sau khi hoàn thành quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, cơ sở y tế lập Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy thành 02 bản trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt theo mẫu quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định này; 01 bản lưu bệnh án, 01 bản trả cơ quan công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy.

3. Trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với trường hợp địa điểm do cơ quan công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy thống nhất với cơ sở y tế lựa chọn:

a) Cơ quan công an gửi hồ sơ gồm: giấy đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy, bản sao phiếu kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, bản tóm tắt lý lịch đến cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ của cơ quan công an, cơ sở y tế có trách nhiệm cử cán bộ y tế đến địa điểm được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ;

c) Cơ sở y tế lập bệnh án và thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Cơ quan công an nơi gửi hồ sơ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế bảo đảm an ninh, an toàn trong toàn bộ quá trình xác định tình trạng nghiện ma túy;

d) Sau khi hoàn thành quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, cơ sở y tế lập Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy thành 02 bản trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt theo mẫu quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định này; 01 bản lưu bệnh án, 01 bản trả cơ quan công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy.

 

 

 

Phần 6

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TOÀ ÁN NHÂN DÂN XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được quy định tại Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp thứ 9 thông qua ngày 24/3/2022 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua.

1. Về phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Về nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Pháp lệnh này áp dụng đối với đối tượng có tính chất đặc thù là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do vậy, một trong những nguyên tắc quan trọng xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.

Đồng thời, trong quá trình xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của người bị đề nghị.

- Bảo đảm quyền của người bị đề nghị được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.

- Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tòa án bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

- Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Bảo đảm việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.

- Tiếng nói, chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án là tiếng Việt. Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và phải có người phiên dịch.

- Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Về thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

4. Về sự tham gia của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú

Để đảm bảo tốt nhất quyền của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh có những quy định cho Tòa án và Thẩm phán được tham vấn ý kiến hoặc yêu cầu chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia các phiên họp trong trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của người bị đề nghị.

5. Về đảm bảo tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến. Đồng thời, theo quy định của Pháp lệnh thì phiên họp phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

- Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn;

- Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Tại phiên họp Thẩm phán mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân;

- Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị hỗ trợ người bị đề nghị;

- Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

6. Về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Theo quy định của Pháp lệnh, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án phải ra một trong các quyết định (đưa hoặc không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm các bước:

- Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Khi nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.

- Thông báo về việc thụ lý hồ sơ: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:  Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người theo đúng quy định và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người theo đúng quy định và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến. Phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp phải bảo đảm quy định của Pháp lệnh, mặc trang phục hành chính của Tòa án nhân dân.

Trong phiên họp, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị hỗ trợ người bị đề nghị. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

7. Về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

- Tuân thủ quy định của Hiến pháp và thứ bậc có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn, Pháp lệnh quy định các điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Theo đó, với mục đích đảm bảo quyền được học tập cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, Pháp lệnh quy định người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được hoãn chấp hành quyết định trong trường hợp họ đủ điều kiện và đã đăng ký tham dự hoặc đang tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc phải tham gia thi tốt nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và được cơ sở giáo dục nơi họ học tập xác nhận.

- Ngoài ra, người phải chấp hành nhưng chưa đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được miễn chấp hành quyết định trong trường hợp: mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; trong thời gian hoãn chấp hành quyết định theo quy định mà người đó tự nguyện cai nghiện, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không nghiện ma túy; trong thời gian hoãn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo, áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Pháp lệnh đã quy định người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là người đang chấp hành) được tạm đình chỉ chấp hành quyết định trong trường hợp: Bị ốm nặng phải điều trị nội trú hơn 10 ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; bị ốm nặng mà cơ sở cai nghiện bắt buộc không đủ điều kiện điều trị và phải điều trị ngoại trú hơn 10 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

- Đồng thời, người đang chấp hành được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp: Mắc bệnh hiểm nghèo, có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc và bị Tòa án phạt tù nhưng không được hưởng án treo theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Phần 7

MỘT SỐ CHẾ TÀI HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY

          Nhà nước độc quyền và thống nhất quản lý chất ma túy là chất gây nghiện nguy hiểm với những quy định rất nghiêm ngặt. Vi phạm các quy định thuộc chế độ quản lý các chất ma túy không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát chất ma túy của Nhà nước mà còn góp phần làm gia tăng số người nghiện, qua đó đe doạ nghiêm trọng đến an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ và sự phát triển lành mạnh của nòi giống cũng như ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Do tác hại lâu dài và nhiều mặt của các vi phạm các quy định về chế độ quản lý chất ma túy như vậy nên mọi hành vi vi phạm ở bất kỳ khâu nào của quá trình quản lý chất ma túy đều bị quy định là tội phạm.

Các tội phạm về ma túy được quy định từ Điều 247 đến Điều 259 tại Chương XX, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

1. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3.000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

2. Tội sản xuất trái phép chất ma túy

1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

e) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;

i) Tái phạm nguy hiểm;

k) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

c) Hêrôin, côcain hoặc Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

d) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

đ) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;

e) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

d) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

đ) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.”.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

1. Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;

o) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

4. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Qua biên giới;

g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

h) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

i) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

m) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

n) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản này;

p) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Tội mua bán trái phép chất ma túy

1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho người dưới 16 tuổi;

g) Qua biên giới;

h) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

i) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

k) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

l) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

m) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

n) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

o) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

p) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm h đến điểm o khoản này;

q) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Tội chiếm đoạt chất ma túy

1. Người nào chiếm đoạt chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 249, 250 và 251 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

g) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

h) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

n) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm e đến điểm m khoản này;

o) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

7. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy

1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 50 gam đến dưới 200 gam;

c) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 75 mililít đến dưới 300 mililít.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 200 gam đến dưới 500 gam;

e) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 300 mililít đến dưới 750 mililít;

g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

h) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng từ 500 gam đến dưới 1.200 gam;

b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích từ 750 mililít đến dưới 1.800 mililít.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền chất ở thể rắn có khối lượng 1.200 gam trở lên;

b) Tiền chất ở thể lỏng có thể tích 1.800 mililít trở lên.

5. Trường hợp phạm tội có cả tiền chất ở thể rắn và tiền chất ở thể lỏng thì được quy đổi để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, với tỷ lệ 01 gam tiền chất ở thể rắn tương đương với 1,5 mililít tiền chất ở thể lỏng. Sau khi quy đổi, số lượng tiền chất thuộc khoản nào, thì người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

8. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Vận chuyển với số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;

e) Vận chuyển qua biên giới;

g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

9. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

đ) Đối với người đang cai nghiện;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

d) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

10. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với người dưới 16 tuổi;

d) Đối với 02 người trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

11. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

12. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;

d) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;

đ) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Đối với người đang cai nghiện;

h) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;

b) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 13 tuổi.

4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

13. Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần

1. Người nào có trách nhiệm trong quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XX của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;

b) Vi phạm quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;

c) Vi phạm quy định về giao nhận, vận chuyển chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;

d) Vi phạm quy định về phân phối, mua bán, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần;

đ) Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, trên biển;

e) Vi phạm quy định về cấp phát, cho phép sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Phần 8

CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT; CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH SƠN LA TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ

 

STT

VĂN BẢN

I

MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

1

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2

Bộ Luật Hình Sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)

3

Luật phòng, chống Ma túy năm 2021

4

Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống Ma túy

5

Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy

6

Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy

7

Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

8

Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

9

Thông tư số 18/2021/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn chẩn đoán và quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy

10

Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài Chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách NHà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện

11

Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

II

MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

1

Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy

2

Quyết định số 291/2008/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TW

3

Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025

III

MỘT SỐ VĂN BẢN CỦA TỈNH SƠN LA VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

1

Kế hoạch số 179-KH/TU ngày 20/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh

2

Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021-2025

3

Quyết định số 597-QĐ/TU ngày 09/3/2023 của Tỉnh ủy Sơn La về kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021 - 2025

4

Nghị quyết số 48/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 cảu Hội đồng Nhân dân tỉnh về ban hành chính sách phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025

5

Kế hoạch số 285/KH-UBND ngày 09/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Quyết định số 1425/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phòng, chống và kiểm soát ma túy giai đoạn 2021-2025

6

Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030

7

Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 06/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2025

8

Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 30/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy năm 2023.

 

 

MỤC LỤC

           

SỐ TT

DANH MỤC TÀI LIỆU

TRANG

Phần 1

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

1

1

Tình hình tệ nạn ma tuý

2

2

Tình hình tội phạm về ma túy

2

3

Tình hình địa bàn liên quan đến ma tuý

2

4

Một số loại ma túy thường gặp ở tỉnh Sơn La

3

Phần 2

QUY TRÌNH XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

7

1

Việc xác định tình trạng nghiện ma túy

7

2

Tiêu chuẩn chẩn đoán, quy trình chuyên môn để xác định tình trạng nghiện ma túy

8

Phần 3

QUY TRÌNH CAI NGHIỆN MA TÚY

10

1

Tiếp nhận, phân loại

10

2

Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác

10

3

Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách

10

4

Lao động trị liệu, học nghề

11

5

Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

11

6

Xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình cai nghiện

11

Phần 4

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ NGHIỆN MA TÚY PHỔ BIẾN

14

1

Phương pháp cắt ngang (cai vo)

14

2

Phương pháp giảm dần

14

3

Phương pháp thuỷ miên

14

4

Phương pháp choáng điện

14

5

Phương pháp phẫu thuật thuỳ trán

14

6

Phương pháp dùng thuốc hướng thần

15

7

Phương pháp đối kháng ma tuý

15

8

Phương pháp thay thế

15

9

Liệu pháp tâm lý

15

10

Phương pháp châm cứu

15

11

Dùng các bài thuốc y học cổ truyền

15

Phần 5

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC ĐỊNH TÌNH TRẠNG NGHIỆN MA TÚY

17

1

Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy

17

2

Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy tại nơi tạm giữ có cơ sở y tế đủ điều kiện

17

3

Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người bị tạm giữ hành chính được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy tại nơi tạm giữ không có cơ sở y tế đủ điều kiện

18

4

Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người không bị tạm giữ theo thủ tục hành chính

19

Phần 6

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TOÀ ÁN NHÂN DÂN XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

21

1

Về phạm vi điều chỉnh

21

2

Về nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

21

3

Về thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

22

4

Về sự tham gia của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú

22

5

Về đảm bảo tính thân thiện của phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

22

6

Về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

23

7

Về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

24

Phần 7

MỘT SỐ CÁC CHẾ TÀI HÌNH SỰ LIÊN QUAN ĐẾN MA TÚY

26

1

Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

26

2

Tội sản xuất trái phép chất ma túy

26

3

Tội tàng trữ trái phép chất ma túy

28

4

Tội vận chuyển trái phép chất ma túy

30

5

Tội mua bán trái phép chất ma túy

32

6

Tội chiếm đoạt chất ma túy

34

7

Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy

36

8

Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy

37

9

Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

38

10

Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy

39

11

Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

39

12

Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

40

13

Tội vi phạm quy định về quản lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần

41

Phần 8

CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT; CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CÁC VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA TỈNH SƠN LA TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MA TUÝ

42

 

         

 

 



[1] Điểm b khoản 2 Điều 2 quy định: Địa điểm xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện tại cơ sở y tế đủ điều kiện hoặc địa điểm do cơ quan công an đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy thống nhất với cơ sở y tế lựa chọn đối với người không bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở y tế bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy tại địa điểm được lựa chọn.

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang