image banner

GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

 

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

1. Giới thiệu về ngành

76 năm trước, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tuyên cáo “về việc thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trong số 13 Bộ được thành lập có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, đánh dấu sự ra đời của Ngành lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội của đất nước. Điều đó khẳng định, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Quá trình xây dựng và phát triển tổ chức bộ máy

- Giai đoạn 1945 - 1954:

Ở Trung ương, hoạt động về Lao động – Thương binh và Xã hội do 4 Bộ thực hiện đó là: Bộ Lao động; Bộ Cứu tế; Bộ Xã hội và Bộ Thương binh – Cựu binh. Trong đó, Bộ Lao động và Bộ Cứu tế thành lập từ ngày 28/8/1945; Bộ Xã hội thành lập ngày 02/3/1946; Bộ Thương binh – Cựu binh được thành lập ngày 19/7/1947.

Ở tỉnh Sơn La, sau khi giành chính quyền, đã thành lập ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, công tác Lao động – Thương binh và Xã hội do Ủy ban kháng chiến hành chính điều hành, sau đó các cấp chính quyền được thành lập đều có các cơ quan làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội, được thành lập theo Sắc lệnh số 64/SL-CT ngày 08/5/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Giai đoạn 1955 – 1964:

Ở Trung ương, thực hiện nhiệm vụ về Lao động – Thương binh và Xã hội có 4 Bộ: Bộ Lao động; Bộ Thương binh – Cựu binh; Bộ Nội vụ và Bộ Cứu tế.

Ở địa phương, năm 1955 thành lập khu tực trị Thái Mèo (sau là khu Tây Bắc), tỉnh Sơn La trực thuộc khu, Phòng Lao động khu được thành lập trực thuộc Ủy ban hành chính Khu Tây Bắc, công tác Thương binh và Xã hội do Ban tổ chức chính quyền khu đảm nhiệm. Năm 1963, tỉnh Sơn La được tái lập, Phòng Lao động trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, công tác Thương binh và Xã hội do Ban tổ chức chính quyền tỉnh thực hiện.

- Giai đoạn 1965 – 1975:

Ở Trung ương, thực hiện công tác Lao động – Thương binh và Xã hội do 02 Bộ và 01 cơ quan đảm nhận: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

Ở tỉnh Sơn La, năm 1965, Ty Lao động được thành lập trên cơ sở nâng cấp Phòng Lao động thuộc tỉnh. Năm 1972, Ty Thương binh và Xã hội được thành lập.

- Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1986:

Ở Trung ương, việc thực hiện công tác Lao động – Thương binh và Xã hội do 02 Bộ và 01 cơ quan đảm nhận: Bộ Lao động, Bộ Thương binh và Xã hội và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh xâm lược.

Ở địa phương, công tác Lao động – Thương binh và Xã hội do Sở Lao động Thương binh và Xã hội đảm nhiệm.

- Giai đoạn từ 1987 đến nay:

Ở Trung ương, thực hiện Quyết định số 782/HĐND ngày 16/02/1987 của hội đồng Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất 02 Bộ: Bộ Lao động và Bộ Thương binh và Xã hội.

Ở tỉnh Sơn La, từ năm 1987 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được thành lập, trên cơ sở hợp nhất 2 Sở: Sở Lao động và Sở Thương binh và Xã hội.

II. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA

Ngày 28/8 đã đi vào mốc son lịch sử của dân tộc ta. Đó là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách 10 bộ, ngành, trong đó có ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và tham gia tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định những chính sách phát triển kinh tế ở những vùng tự do, vùng kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954, đồng thời huy động sức người, sức của từ hậu phương lớn phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Trong thời kỳ đổi mới, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách về Lao động - Thương binh và Xã hội được xây dựng  đồng bộ và hoàn chỉnh từ những Nghị định, Quy định nay được nâng lên thành Luật, Pháp lệnh. Đặc biệt, những thành tựu trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo đạt được những thành công quan trọng, được nhân dân và bạn bè quốc tế công nhận.

Xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như thực tiễn của tỉnh, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Lao động, việc làm, dạy nghề, người có công và an sinh xã hội; đề xuất mới, điều chỉnh, bổ sung chính sách xã hội và tạo cơ sở pháp lý điều hành có hiệu quả, đồng thời ban hành các chính sách vượt trội so với quy định của Trung ương và triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân và các đối tượng thuộc ngành quản lý.

Trên lĩnh vực người có công, ngoài việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ do Nhà nước quy định, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định chế độ trợ cấp thường xuyên, đột xuất cho người có công với cách mạng, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; đặc biệt chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đã được thực hiện đồng bộ từ miễn giảm tiền sử dụng đất đến chính sách tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà đã tạo điều kiện cho gia đình chính sách có nhà ở ổn định, kiên cố chống chịu được thiên tai, bão lũ. Công tác đền ơn đáp nghĩa được triển khai rộng khắp, nhiều phong trào, mô hình chăm sóc người có công được lan tỏa mạnh, tạo thêm nhiều nguồn lực, thực hiện tốt mục tiêu nâng cao mức sống gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú, nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã và đang được đầu tư nâng cấp khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, đã xây dựng và đề nghị tỉnh nâng mức trợ cấp, mở rộng đối tượng hưởng thụ so với quy định của Trung ương cho đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành quả to lớn; nhiều lần tham mưu với tỉnh thay đổi chuẩn nghèo, hoạch định nhiều chính sách, chế độ ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nhóm hộ đặc biệt nghèo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã góp phần rút ngắn thời gian thực hiện chương trình giảm nghèo từ 5 năm xuống còn 3 năm cho mỗi giai đoạn.

Trong lĩnh vực phòng chống ma túy, ngành đã tham mưu tỉnh nhiều chính sách về quản lý, tập trung cai nghiện, dạy nghề ... đã góp phần kéo giảm người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực vào chương trình 5 không, 3 có.

Song song với việc tham mưu thực hiện tốt công tác Lao động – Thương binh và Xã hội, công tác phát triển của ngành cũng luôn được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn, nghiệp vụ. Triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, từng bước mở rộng các dịch vụ công trên trang thông tin điện tử, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng trong giao tiếp và minh bạch trong giải quyết công việc của tổ chức và công dân.

Về chức năng:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: việc làm; dạy nghề; lao động; tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội); về các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Về nhiệm vụ:

- Xây dựng phương hướng, mục tiêu, các giải pháp lớn trong kế hoạch dài hạn, hàng năm của tỉnh về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện phương hướng, nhiệm vụ đó;

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức nghiên cứu cụ thể hoá các chính sách của Nhà nước; soạn thảo các văn bản của tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách đối với người lao động và các đối tượng chính sách xã hội phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và luật pháp của Nhà nước;

- Hướng dẫn các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lao động; xây dựng chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm cho lao động xã hội; kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ về tiền lương, tiền công, phụ cấp, trợ cấp lao động nữ, chế độ đãi ngộ vật chất khác và chế độ an toàn lao động cho người lao động cũng như chính sách chế độ đối với người có công cách mạng, người về hưu, mất sức, thôi việc và các đối tượng xã hội;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý Nhà nước các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; thành lập và theo dõi, kiểm tra các Hội đồng thi về đào tạo nghề, xem xét cấp Bằng nghề, Chứng chỉ nghề và hướng dẫn, giới thiệu lao động có nhu cầu tìm việc làm;

- Kiểm tra, thanh tra Nhà nước đối với các đơn vị về việc chấp hành luật pháp, chính sách thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền các đơn khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực ngành;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch tài chính của ngành. Thống nhất quản lý nguồn ngân sách, kinh phí về Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh;

- Phối hợp với các ngành, các cấp, các doàn thể xây dựng và phát triển các hình thức bảo trợ xã hội, tổ chức cứu trợ thường xuyên, cứu trợ đột xuất cho các đối tượng khó khăn. Quản lý Nhà nước một số Hội, cơ sở từ thiện;

- Phối hợp thực hiện Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích hàng năm.

- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các mặt công tác đối với người có công cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội. Thừa uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định người được hưởng chính sách, mức trợ cấp, cấp giấy chứng nhận cho người có công với cách mạng và các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội. Thực hiện chế độ trợ cấp; tham gia với hội đồng giám định thương tật cho thương binh và đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ. Phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện chính sách nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cán bộ Lão thành cách mạng; quản lý Nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sĩ ở tỉnh. Chăm sóc người già yếu cô đơn, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ chức hướng dẫn lao động, học nghề và trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, người tàn tật. Phối hợp và tổ chức thực hiện các chương trình Xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm.

- Kiện toàn tổ chức, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh;

- Sơ kết, tổng hợp công tác của ngành trên điạ bàn tỉnh, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác Lao động - Thương binh và Xã hội. Quản lý lưu trữ toàn bộ các hồ sơ liên quan;

- Ngoài ra Sở còn đảm nhiệm một số nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định./.


Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH SƠN LA
Địa chỉ: Tòa nhà 6T1, Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La - Phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tỉnh Sơn La
Giấy phép xuất bản số: 07/GP-TTĐT
Điện thoại: 02123.852.269    Fax: 02123.855.569
Email: sldtbxh@sonla.gov.vn
 Chung nhan Tin Nhiem Mang